Không gây hại não
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), điều mà các bà mẹ lo nhất khi con sốt co giật, đó là lúc bé tím tái trong vài chục giây, sợ ảnh hưởng đến não bé.
“Cách đây 20 năm bản thân tôi và các đồng nghiệp cũng sợ rằng sốt co giật gây hại não. Tuy nhiên giờ đã có nhiều nghiên cứu ở cả thế giới, Việt Nam đã khẳng định, sốt cao co giật thông thường không gây hại não. Trừ các bệnh lý khác gây nên tình trạng này như viêm màng não, viêm não mà chúng ta bỏ sót trong chẩn đoán. Còn nếu là sốt cao do vi rút gây co giật, sau vài chục giây, trẻ hết giật trở lại bình thường, không để lại di chứng cho não, không gây hại não”, PGS Dũng khẳng định.
Vì thế, cơn sốt cao co giật lành tính không phải uống bất cứ thuốc gì. "Thời gian gần đây tôi thấy có những bà mẹ sau khi con sốt cao co giật thì cho uống thuốc động kinh kéo dài. Điều đó là sai, không mang lại lợi ích gì cho trẻ, thậm chí gây hại", PGS Dũng khuyến cáo.
Tuy cơn sốt cao co giật là lành tính, khi trẻ sốt cũng cần theo dõi hạ sốt để không khiến trẻ bị co giật, dẫn đến những lo lắng không đáng có.
3 bước xử lý đúng khi trẻ sốt cao co giật
Đặt trẻ nằm nghiêng
Tư thế nằm nghiêng khi sốt cao co giật giúp thông thoáng đường thở, trẻ không nuốt phải đờm dãi. Ảnh cắt từ clip.
Phần lớn trẻ em bị sốt cao co giật khi đang được bế trên tay bố mẹ (do đang ốm, sốt cao). Thấy con giật tím tái, không khóc được trên tay nhiều cha mẹ cuống cuồng bế con dậy đi tìm thuốc hạ sốt, hoặc chạy ra ngoài bắt taxi đi viện. Đừng làm thế, hãy bình tĩnh hết sức, đặt trẻ nằm nghiêng, đầu không được gập để trẻ thở tốt.
Khi trẻ được nằm nghiêng, đường thở sẽ được thông thoáng, nếu có đờm dãi thì sẽ chảy ra ngoài, không bị rơi vào phổi tắc thở rất nguy hiểm.
Vẫn trong tư thế nằm nghiêng này, nếu trẻ đang mặc nhiều đồ, mặc đồ chật thì nên nới rộng. Hãy cố gắng bình tĩnh, chỉ một vài chục giây trẻ sẽ hết giật.
Mọi người trong gia đình cũng không nên vây quanh bé mà hãy tản ra, để bé có không khí để thở. Mở thoáng cửa để hạ nhiệt độ không khí xuống.
Không cho tay, đũa hoặc vật dụng ngáng miệng trẻ
PGS Dũng cho biết, đây cũng là một sai lầm thường gặp của cha mẹ khi xử lý tình huống con bị sốt cao co giật. Thực tế, sơ cứu đúng, đó là tuyệt đối không cho ngón tay vào miệng bé dù trẻ đang cắn giật giật (trẻ có thể cắn nát ngón tay, việc này cũng không có ý nghĩa gì trong cấp cứu). Đến khi trẻ hết cơn giật có thể lấy khăn xô, cho vào khóe miệng để phòng trường hợp có cơn giật sau.
Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ
Theo PGS Dũng, ngay sau cơn co giật, tốt nhất là dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ. Còn nếu trẻ tỉnh táo, có thể uống được thì có thể cho uống thuốc hạ sốt.
Còn trong thời điểm trẻ đang giật, tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc, rất dễ sặc, nguy hiểm.
Sau khi trẻ hạ sốt, bố mẹ nên đưa con đến viện khám để bác sĩ chẩn bệnh, xem có bệnh gì khác ngoài sốt không.
Theo Dân trí