Tại sao hải sản gây dị ứng
Tất cả các loại hải sản đều có thể gây ra dị ứng, trong đó tôm cua sò mực gây dị ứng hơn cả.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, các protein trong hải sản có thể là kháng nguyên, bán kháng nguyên đối với người bị dị ứng hải sản mà lại là những protein bình thường đối với tuyệt đại đa số những người không bị dị ứng hải sản. Còn hiện tượng hải sản có nồng độ histamin cao thì có thể gây triệu chứng cho tất cả mọi người ăn phải (hiện tượng ngộ độc histamin).
Cụ thể, nguyên nhân gây dị ứng do hải sản gồm:
- Hải sản có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein “lạ”, khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng.
- Một số protein có trong hải sản chỉ đóng vai trò là một “bán kháng nguyên – hapten” hay kháng nguyên không đầy đủ. Loại này khi vào cơ thể sẽ kết hợp với nhóm “quyết định kháng nguyên” sẵn có gây nên dị ứng.
- Một số hải sản có chứa nhiều histamin. Chất này khi vào cơ thể cũng gây nên các triệu chứng như dị ứng.
Các triệu chứng của dị ứng hải sản
Đối với dị ứng hải sản, các phản ứng dị ứng (đặc biệt là sốc phản vệ) không phụ thuộc số lượng ăn nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể. Dị ứng hải sản thường xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn vài giờ, có người chỉ vài phút. Mức độ bị dị ứng nặng hay nhẹ ở từng người có sự khác nhau.
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất:
- Các biểu hiện trên da: Da mẩn ngứa, nổi đay, mẩn đỏ.
- Các biểu hiện thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, ngất, hôn mê.
- Các tổn thương niêm mạc: Phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng.
- Các triệu chứng hô hấp: Hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản.
- Các biểu hiện đường tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa.
Nếu các ấy được xác định là dị ứng với hải sản thì nên tránh ăn uống, tiếp xúc với những loại thực phẩm có nguồn gốc từ hải sản nhé. Thậm chí, dị ứng cũng có thể xảy ra nếu ấy dùng chung bát đĩa đựng hải sản của người khác.
Với dị ứng histamin, các ấy có thể sử dụng thuốc kháng histamin. Loại thuốc này có tác dụng tốt với các triệu chứng ở da, niêm mạc như nổi mề đay, ban đỏ, phù mặt, thuốc có thể ngăn chặn được các triệu chứng dị ứng nhẹ ngoài da, niêm mạc. Tuy nhiên, chúng không ngăn chặn được các dị ứng phản ứng nặng như sốc phản vệ, khó thở nếu có xảy ra. Với các trường hợp này, ấy cần đến bệnh viện sớm nhất có thể và không được tự ý sử dụng các loại thuốc chống dị ứng đâu nhé.
Làm gì khi bị dị ứng hải sản
Theo BS Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam- trả lời PV báo Giao thông), nếu trẻ bị dị ứng thức ăn, cụ thể là hải sản thì cách tốt nhất là không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn và chế phẩm có nguồn gốc từ hải sản. Một số trẻ sau 5 tuổi tình trạng dị ứng giảm dần, một số khác tình trạng dị ứng theo suốt cả cuộc đời.
Chuyên gia lý giải, dị ứng diễn ra khi chất gây dị ứng trong hải sản đi vào cơ thể gây phản ứng. Lúc này, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để chống lại chất gây dị ứng. Khi lượng hải sản được tiếp tục đưa vào, cơ thể lập tức phản ứng, sinh ra chất có tên histamine do sự kết hợp của kháng thể với tế bào miễn dịch. Histamine giải phóng ra ngoài có thể gây mẩn đỏ, phát ban ngoài da hoặc có thể gây đau bụng, tiêu chảy, hoặc cảm giác khó thở.
Theo đó, triệu chứng dị ứng hải sản có thể từ nhẹ đến nặng.
- Nếu người ăn hải sản bị dị ứng nhẹ, chỉ có nổi mề đay, ngứa ngáy khó chịu. Sau một thời gian ngắn, những mẩn đỏ tự lặn.
- Nếu nặng, ngoài bị nổi mề đay ngứa ngáy còn kéo theo sốt, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, đầy hơi, mệt mỏi, bụng chướng.
Biểu hiện của dị ứng hải sản có thể kéo dài vài tiếng đồng hồ, cũng có thể chỉ xảy ra vài phút sau khi ăn. Dị ứng hải sản có thể dẫn đến biến chứng nặng như sốc phản vệ, tim đập nhanh, chóng mặt, người lả đi, cảm thấy khó thở. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong, chuyên gia nhấn mạnh.
Khải Nguyên(t/h)