Pha sữa cho trẻ bằng nước khoáng, thường xuyên cho trẻ ăn nước hầm xương… là một trong những lỗi sai khi chăm sóc mà nhiều bậc phụ huynh đang mắc phải.
Nước khoáng không chỉ định dùng cho trẻ nhỏ
Sợ nguồn nước sinh hoạt hàng ngày không đảm bảo không ít bà mẹ chơi sang mua hẳn nước đóng bình về pha sữa, nấu bột cho con. Các mẹ tin rằng nước khoáng phải trải qua một quá trình kỹ thuật xử lý rất khắt khe sẽ không có chất độc hại gì cho cơ thể. Mất tiền để đầu tư cho con sự an toàn bằng cách cho con dùng nước khoáng. Tuy nhiên, chuyên gia lại cảnh báo dùng nước khoáng nấu ăn, pha sữa cho trẻ không phải là điều nên làm.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Nguyên Trưởng khoa vi chất (Viện dinh dưỡng Quốc Gia) cho hay, không nên dùng nước khoáng trong nấu ăn hay pha sữa. Nước khoáng là loại nước uống có chứa các chất khoáng như natri, kali, can-xi, magie… không phù hợp với sức khỏe của trẻ.
Không dùng nước khoáng pha sữa cho trẻ nhỏ.
“Do thành phần của nước có chứa thêm các chất khoáng nên phải dùng đúng lúc, đúng đối tượng. Không được sử dụng bừa bãi nhất là trẻ nhỏ. Lưu ý không nên dùng loại nước khoáng có chứa hàm lượng khoáng cao để pha sữa hay nấu ăn cho trẻ. Vì chức năng thận của trẻ còn yếu không đào thải được chất khoáng dư thừa ra khỏi cơ thể. Các chất khoáng dư thừa sẽ tích lũy lại trong cơ thể có thể gây ra rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, phù…”, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ chỉ nên pha sữa cho trẻ bằng nước lọc đã đun sôi. Phụ huynh cũng có thể dùng nước canh để nấu bột cho bé vì trong nước canh có rất nhiều vitamin và khoáng chất.
Trẻ từ 5-11 tuổi, ngoài sử dụng nước lọc thì cần cung cấp thêm sữa. Phần lớn trẻ trong độ tuổi này nên uống sữa tách béo một phần, không có chất tạo ngọt, và được bổ sung thêm canxi.
Trẻ nhỏ trong độ tuổi này nên sử dụng thêm nước ép hoa quả, rau củ và sinh tố: cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin, chất xơ. Chỉ nên uống 150 ml một ngày và không nên uống trước bữa ăn.
Nước xương hầm có nên dùng cho trẻ nhỏ?
Một trong những sai lầm của các bà mẹ khi nuôi con nhỏ là luôn tin nước hầm xương giàu dinh dưỡng và nhiều canxi. Vì vậy, không ít bà mẹ tích lũy xương hầm để nấu ăn trường kỳ cho trẻ.
Theo Th.s. BS Doãn Thị Tường Vi, Viện dinh dưỡng Lâm sàng, khi nấu bột cho bé nên cho vào thịt, cá, tôm, cua vào trong bột để bé ăn dinh dưỡng sẽ cao. Còn chỉ dùng nước xương nấu bột thì hầu như không có giá trị dinh dưỡng. Nếu thường xuyên ăn nước hầm xương không được bổ sung thêm đạm thịt, cá, tôm sẽ khiến cho trẻ dễ bị còi xương suy dinh dưỡng.
“Nhiều mẹ vẫn lầm tưởng ninh nước hầm xương thấy con ăn bột ngon miệng nghĩ con ăn đã đủ chất. Khi con bị suy dinh dưỡng đi khám bác sĩ phân tích mới phát hiện ra sai lầm. Phần lớn những trường hợp tới khám này là do ăn thiếu chất đạm”, Bác sĩ Tường Vi nói.
Bác sĩ Tường Vi khuyến cáo, thường xuyên cho trẻ ăn nước hầm xương làm cho trẻ rơi vào tình trạng ăn khó tiêu, đầy bụng. Nguyên nhân là do lượng chất béo có trong xương ống cao. Đây chủ yếu là các chất béo no rất khó tiêu hóa và hấp thu.
Nói về giá trị canxi có trong nước hầm xương bác sĩ Tường Vi cho rằng, lượng canxi rất khiêm tốn. Các nghiên cứu đã chỉ ra trong 100ml xương hầm chỉ có chứa 33,5mlg canxi. Lượng canxi và phốt pho trong xương ống không cân đối vì vậy trẻ cũng không hấp thu được. Nên bổ sung canxi bằng cách cho ăn các loại tôm, cua, cá và uống sữa.
Thay vì chỉ hầm nước xương nên cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm. Phải luôn đảm bảo trẻ được cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm (đạm - béo - bột đường - vitamin, chất xơ và khoáng chất).
Theo: Emdep