5 năm triển khai dạy SGK mới theo Chương trình GDPT 2018

Bài 1: Quyết tâm trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Nhóm PV
Bắt đầu được đưa vào giảng dạy trên toàn quốc vào năm học 2020-2021, sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi được chặng đường 5 năm. Đến năm học này, lần đầu tiên tất cả các lớp học đều dạy và học đồng bộ SGK theo chương trình mới.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu

SGK theo Chương trình GDPT năm 2018 đi vào thực tiễn dạy và học được 5 năm. Tuy nhiên, việc chuẩn bị đổi mới giáo dục được manh nha thực hiện từ lâu, có sự vào cuộc của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và của cả xã hội.

Nhắc đến đổi mới giáo dục phải kể đến Nghị quyết 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" của Hội nghị T.Ư lần 8, Ban Chấp hành T.Ư khóa XI được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký quyết định ban hành vào ngày 4/11/2013. Trong đó khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.

Hội nghị T.Ư lần 8, khoá XI của Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã đề ra Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hội nghị T.Ư lần 8, khoá XI của Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã đề ra Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nghị quyết 29 yêu cầu giáo dục tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Đối với chương trình học, Nghị quyết 29 đòi hỏi đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân.

Mặt khác, ngành Giáo dục cần đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực.

Nghị quyết 29 lần đầu tiên đưa ra yêu cầu: Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo” Để xây dựng một nền giáo dục mở, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa… cần thiết phải xóa bỏ mô hình học sinh cả nước chỉ học một bộ sách giáo khoa.

"Nghị quyết đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đổi với giáo dục, cùng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài. Nhận thức được tầm quan trọng đó, cả hệ thống chính trị, trong đó giữ vai trò nòng cốt là ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Đến nay, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn phát triển đất nước và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng.

Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết 88 về Đổi mới chương trình, SGK phổ thông.
Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết 88 về Đổi mới chương trình, SGK phổ thông.

Từ Nghị quyết 29, Quốc hội XIII đã thảo luận và đưa ra Nghị quyết 88/2014/QH13 vào ngày 28/11/2014 về Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo đề xuất của Chính phủ. Trong đó, tiếp tục nhấn mạnh:

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.

Nghị quyết 88 yêu cầu, SGK mới phải kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh,…

Nghị quyết số 88/2014/QH13, đã khẳng định chủ trương của Đảng khi nhấn mạnh: Để chủ động triển khai Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Từ Nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, ngày 27/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Từ đó tạo tiền đề cho việc soạn thảo và ban thành Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

"Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục phổ thông chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức; các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện,...

Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hoá, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo".

Trích Kết luận của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ban hành ngày 12/8/2024

Từ Chương trình GDPT 2018 đến thực hiện bộ SGK mới

Từ sự thống nhất của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông đã có của Việt Nam, đồng thời tiếp thu thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tham mưu và cho ban hành khung Chương trình GDPT vào năm 2018.

Chương trình GDPT 2018 là khung giúp các nhà xuất bản, chuyên gia về giáo dục viết bộ SGK mới cho cả 3 cấp học. Ảnh: moet.gov.vn
Chương trình GDPT 2018 là khung giúp các nhà xuất bản, chuyên gia về giáo dục viết bộ SGK mới cho cả 3 cấp học. Ảnh: moet.gov.vn

Trong đó, chương trình học bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được mục tiêu đó.

Đặc biệt, Chương trình GDPT 2018 yêu cầu phải cụ thể hoá mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Chương trình GDPT 2018 yêu cầu học sinh cần đạt được các phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Bên cạnh là các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; tùy theo đặc thù của học sinh, có thêm các yêu cầu cần đạt về ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mĩ và thể chất.

Lần đầu tiên, ngành Giáo dục phê duyệt nhiều bộ sách đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông. Ảnh: moet.gov.vn
Lần đầu tiên, ngành Giáo dục phê duyệt nhiều bộ sách đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông. Ảnh: moet.gov.vn

Đây là sự thay đổi rất lớn, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục chi tiết trước khi xây dựng sách giáo khoa. Như vậy, chương trình giáo dục hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực theo từng cá nhân học sinh, tăng cường tính mở, tính dân chủ và xã hội hóa. Đây chính là nền giáo dục mang tính nhân bản và khai phóng.

Luật Giáo dục 2019, là văn bản mang tính pháp lý cao nhất, quy định: “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật”. Như vậy, Nghị quyết 88/2014/QH13 và Luật Giáo dục 2019 là thể chế hóa đường lối giáo dục của Đảng thực hiện một chương trình giáo dục và nhiều sách giáo khoa theo xu hướng chung của thế giới.

Với tinh thần đổi mới như trên, nhiều NXB, các nhà khoa học, nhà giáo dục, giảng viên, giáo viên trong cả nước đã tích cực tham gia xây dựng 5 bộ sách giáo khoa khác nhau và chính thức đưa vào giảng dạy trên toàn quốc từ năm học 2020-2021.

Trong kỳ tới, báo TNTP&NĐ sẽ chia sẻ cùng độc giả những ngày đầu triển khai SGK theo chương trình mới, những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai và những giải pháp tháo gỡ.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bài 1: Quyết tâm trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Bão số 8 suy yếu, miền Bắc nắng hanh kéo dài

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm 14/11, bão Toraji suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông rồi tan dần. Trên đất liền, các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì thời tiết hanh khô...

Danh sách "cọ nhí" đoạt giải cuộc thi vẽ tranh Cathay - "Em vẽ ước mơ của em" lần thứ 16

Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi Cathay “Em Vẽ Ước Mơ Của Em” do báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (TNTP&NĐ) phối hợp cùng Bảo hiểm Cathay Việt Nam tổ chức đã khép lại với nhiều thành công rực rỡ. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn “cọ nhí” từ khắp mọi miền đất nước, mang đến những tác phẩm đầy sáng tạo và ý nghĩa.

Xét tặng Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2024

Nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng, Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chính thức ban hành kế hoạch tổ chức Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2024.