Học sinh chủ động, sáng tạo trong học tập
Trong ký ức của các thế hệ học sinh từng học bộ SGK 2006 và những bộ sách trước đó, giáo viên là trung tâm, truyền thụ kiến thức cho học sinh. Thầy cô chủ động giảng bài trên lớp, học sinh hỏi thầy cô những kiến thức chưa hiểu. Điều nay dẫn đến tình trạng "đọc - chép", điều này phẩn nào làm giảm sự chủ động của học sinh trong tiết học.
Chương trình GDPT 2018 nhấn mạnh đến việc chủ động, sáng tạo và đánh giá năng lực của học trò. Điều này được áp dụng khi triển khai giảng dạy SGK mới. Vào năm ngoái, PV báo TNTP&NĐ được trải nghiệm 1 tiết học Toán lớp 10 của trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội), trong đó nội dung tiết học được học sinh tìm hiểu trước ở nhà. Mở đầu tiết, các em được yêu cầu lấy ví dụ từ thực tế đời sống để dẫn dắt vào bài học. Trong suốt 45 phút, học sinh được làm bài tập nhóm, thực hiện phiếu bài tập, tự ra đề toán,... Giáo viên là người kết luận và tổng hợp kiến thức ở cuối tiết học.
Thầy Nguyễn Văn Hoàng, giáo viên dạy Toán (trường THPT Tây Hồ, HN) chia sẻ: "Chương trình mới so với chương trình cũ thay đổi rất nhiều, các em có thể tự tìm hiểu trước nội dung kiến thức. Lên trên lớp, các em được tự thảo luận với bạn và thầy. Thầy là người cuối cùng chốt lại kiến thức. Như vậy, sự chủ động được đưa về phía học trò, thay vì thầy cô".
Cô Lê Vân - Khối trưởng Khối 3 (trường Tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, HN) đánh giá, phương pháp học tập trên lớp hiện nay chú trọng đến việc học sinh học theo nhóm, thực hành, thảo luận và khám phá, thay vì chỉ nghe giảng và ghi chép. Điều này giúp học sinh nắm vững kiến thức và phát triển kỹ năng tư duy phản biện hơn.
"Chương trình SGK mới được sắp xếp theo hướng tích hợp liên môn, giúp học sinh hiểu và áp dụng kiến thức một cách tổng hợp hơn. Sách giáo khoa mới cung cấp nhiều minh hoạ và ví dụ thực tế hơn, làm cho nội dung học trở nên sinh động và dễ hiểu", cô Lê Vân nói.
Một trong những điểm nổi bật của học liên môn là giáo dục STEM (kết hợp giữa Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán). STEM giúp học sinh được chủ động trong học tập để hiểu vấn đề; thực hành, trải nghiệm và tự tay làm ra những sản phẩm kết hợp của 4 môn học. Các em thấy hứng thú khi được động não, suy nghĩ và biết nhận xét và cải tiến những mô hình; Từ đó, hình thành nên khả năng sáng tạo và kỹ năng thiết kế.
Với cô Phó Hiệu trưởng Dương Thúy Bình (trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, TP. Hải Phòng), trong phương pháp dạy học mới, SGK là học liệu, thầy cô có thể khuyến khích sáng tạo cho học trò nhờ những thay đổi trong phương pháp dạy học. Cô Bình nhớ lại: "Năm 2020, năm đầu tiên áp dụng SGK mới, nhà trường đã đề xuất việc thay đổi bài tập làm văn không có trong sách Tiếng Việt. Cùng một bài tập làm văn miêu tả nhưng không lấy nội dung có sẵn trong sách, đề bài hoàn toàn mới với các em. Chúng tôi cũng nhận được ý kiến của thầy cô bộ môn, liệu thay đổi có quá sớm không vì đây mới là năm học đầu tiên. Nhưng qua các cuộc họp, nhà trường đã thống nhất và quyết định triển khai".
Kết quả đã làm giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố bất ngờ, với đề bài ngoài SGK, cả trăm bài làm văn của học sinh không giống nhau. Mỗi em đều có cách miêu tả riêng, văn phong sáng tạo của nhiều học trò làm cô giáo ấn tượng. Cô Bình khẳng định, nhờ những bài tập như vậy, học sinh đã trau dồi được khả năng ngôn ngữ, thể hiện sự sáng tạo trong học tập. Nhà trường đã tiếp tục áp dụng phương pháp ra đề không có trong sách đối với môn Tiếng Việt cho những năm học tiếp theo.
Đồng quan điểm, cô giáo Lê Hồng Lam, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) nhấn mạnh SGK mới là học liệu và có tính tham khảo. Do đó, trong một bài học cụ thể, giáo viên có thể thay đổi, điều chỉnh và bổ sung các nội dung và bài tập phù hợp trong quá trình học. Từ đó, giúp học sinh dễ hiểu bài và chủ động hơn trong học tập.
"Với nội dung linh hoạt, học sinh được khám phá, tương tác, chia sẻ nhiều hơn. Các em được hình thành và bộc lộ nhiều năng lực, phẩm chất của bản thân", Cô Hồng Lam nhìn nhận.
Theo cô Phạm Thị Nết, Tổ trưởng chuyên môn khối 4 và 5, trường Tiểu học Ngọc Khê 2 (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa), SGK mới dạy học theo tích cực, hướng tới phát triển năng lực, tập trung vào việc phát triển tối đa khả năng của người học. Trong đó, năng lực là tổng hòa của 3 yếu tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ. Học sinh được phát huy hết khả năng do có sự phân hóa, các em được thể hiện hết năng lực trong học tập nhờ những nội dung nâng cao. Mặt khác, với những học trò không theo kịp các bạn, giáo viên chú ý hơn để củng cố kiến thức.
Cô Nết thông tin thêm, phương pháp dạy học tích cực theo hoạt động nhóm sẽ giúp học sinh phát triển kỹ năng làm việc nhóm và tư duy phản biện. Để triển khai phương pháp hoạt động theo nhóm, giáo viên sẽ chia lớp học ra thành các nhóm nhỏ và giao cho mỗi nhóm một nhiệm vụ cụ thể. Lúc này, giáo viên sẽ dễ dàng đánh giá kết quả dựa trên sự đóng góp cùng từng cá nhân và nhóm.
Người giáo viên cũng cần chủ động trong giảng dạy
Triển khai dạy SGK mới theo Chương trình GDPT 2018, không chỉ có sự thay đổi từ phương pháp học tập từ phía học sinh. Bản thân thầy cô giáo cũng có những thay đổi trong tổ chức dạy học. Đó là những thay đổi trong trong soạn giáo án, thiết kế bài giảng, phương pháp truyền thụ kiến thức,... Đa phần các thầy cô đều cho rằng, việc này sẽ vất vả hơn cho giáo viên nhưng mang lại những điều tích cực cho học sinh.
Cô Dương Mỹ Linh, giáo viên lớp 2, trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Long Biên, TP. Hà Nội) bộc bạch: "Giáo viên không chỉ chuẩn bị giáo án mà còn thiết kế các hoạt động học tập phong phú hơn, khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào quá trình học. Khi học trên lớp, các em được tham gia vào nhiều dạng trò chơi tạo hứng thú học tập như: trắc nghiệm lựa chọn đáp án đúng, Rung chuông vàng, Ai nhanh nhất,... tạo sự hứng thú trong các giờ học".
Giảng dạy SGK mới cũng là động lực cho chuyển đổi số trong mỗi giáo viên, đóng góp vào chuyển đổi số của nhà trường và ngành Giáo dục. Cô Hà Linh Hương, giáo viên trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho hay, khoa học công nghệ ngày càng phát triển đòi hỏi giáo viên cần khai thác thế mạnh của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.
"Hiện tại, trong quá trình dạy học, tôi ứng dụng các phần mềm như Padlet, Plickers, Quizizz, Kahoot, Canva. Những ứng dụng này giúp giao bài tập củng cố kiến thức cho học sinh; hỗ trợ cha mẹ học sinh trong việc ôn tập kiến thức cho các con; học sinh chuẩn bị bài và gửi cho cô giáo và các bạn cùng quan sát, học tập; làm bài tập trắc nghiệm ngay trên lớp", cô Hương cho biết.
Tại trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), việc học tập không chỉ bó buộc trong lớp học. Nhà trường khuyến khích giáo viên tạo sân chơi, trải nghiệm trong mỗi khối lớp. Cô Lê Vân thông tin: "Nhằm tạo sân chơi vừa học tập và mang tính sáng tạo, các giáo viên của khối 3 đã xây dựng các hoạt động như diễn kịch, nhảy dân vũ, học làm gốm, vẽ tranh,... cho các em học sinh tham gia".
Muốn làm được điều này, tập thể giáo viên cần có sự chủ động trong việc đưa ra phương án thực hiện các hoạt động mang tính giáo dục và phối hợp với phụ huynh để có được đồng thuận giữa gia đình và nhà trường. "Khi triển khai chương trình SGK mới đều có sự bỡ ngỡ ban đầu. Tuy nhiên, người giáo viên yêu nghề, mến trẻ sẽ không ngừng học hỏi để tạo ra môi trường học tập để các em có được niềm vui, kiến thức và những trải nghiệm đáng nhớ của tuổi học trò", cô Lê Vân quả quyết.
"Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình tổng thể và các chương trình môn học đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; xác định rõ 05 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu, cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông; đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối các nội dung giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; tổ chức, sắp xếp lại một số môn học theo hướng tích hợp ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; khắc phục sự chồng lấn giữa các môn; bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học, giữa các chương trình môn học. Nội dung các môn học được xây dựng theo hướng giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống. Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến". Trích Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15, ban hành ngày 18/9/2023 |