Thủy đậu thường bùng phát vào giai đoạn chuyển mùa đông- xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân.
Bệnh thủy đậu dễ lây lan rộng trong môi trường tập thể, nhất là trong lớp học. Các bạn thiếu niên trong độ tuổi từ 2-8 có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Bệnh thủy đậu đa phần lành tính, không nguy hiểm nhưng tiến triển nhanh, nếu không điều trị đúng có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai, các nốt phỏng dạ thủy đậu trên da thường gây ngứa, nếu teen gãi nhiều và không được chăm sóc vệ sinh chu đáo… các nốt phỏng bị bội nhiễm sẽ khiến viêm da, nhiễm trùng da, đây là biến chứng thường gặp nhất của thủy đậu ở trẻ em. Nặng hơn, một số trường hợp có thể bị biến chứng viêm phổi, nhiễm khuẩn máu do bội nhiễm vi khuẩn tụ cầu, thậm chí có thể gây biến chứng viêm não, nguy hiểm đến tính mạng.
Khi khởi phát bệnh thủy đậu, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ.
Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.
Chuyên gia cho biết, một sai lầm dễ gặp trong chăm sóc trẻ mắc thủy đậu là bố mẹ cho trẻ kiêng nước, không tắm rửa. Lượng da chết quanh các nốt phỏng dạ tích tụ nhiều sẽ càng gây ngứa ngáy, khó chịu, nguy cơ biến chứng viêm da bội nhiễm tăng hơn. Vì thế, nếu các bạn ý bị thủy đậu, pama cần chú ý tắm cho con bằng nước ấm, không tắm lâu như khi trẻ khỏe mạnh.
Một sai lầm thường gặp khác là không ít pama thấy con bị thủy đậu đã vội bôi xanh methylen vào các nốt phỏng. Tuy nhiên, việc làm này khi nốt phỏng chưa vỡ là không cần thiết.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh thủy đậu hiệu quả, pama nên đưa các bạn nhỏ chưa mắc bệnh chủ động đi tiêm vaccine để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu vẫn có thể tiêm vaccine phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Đăng Kiên