Hiện nay không chỉ có thuốc lá truyền thống mà sự ra đời của thế hệ thuốc lá mới - thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, gây tác động lớn đến thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Sự ra đời của các loại thuốc lá mới cũng khiến cho cơ quan truyền thông bối rối khi chưa thực sự "chỉ mặt đặt tên", lượng hóa các tác hại của thuốc lá. Đồng thời cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá nói riêng và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả nói chung đang rất phức tạp, khó lường.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm “Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp”, nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực 11 năm. Thời gian qua, chúng ta đã làm những gì, các quy định của Luật đã đi vào cuộc sống ra sao; tác hại của thuốc lá như thế nào… là những câu chuyện cần bàn, đặc biệt về ảnh hưởng của thuốc lá đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.
Theo nhà báo Lê Minh Toản: “Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Với nhiều người hút thuốc lá, có nhiều loại thuốc được xác định chỉ nhập lậu mới có, nhưng nhiều nay năm nay, chúng ta vẫn chưa thấy rõ hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá, chưa thấy được mong muốn như kỳ vọng. Nguyên nhân của tình trạng này là gì; công tác truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá ra sao; việc lượng hoá tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người như thế nào. Đó là bài toán không hề dễ dàng đối với cơ quan chức năng thực thi và các cơ quan truyền thông, báo chí”.
Theo ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, qua thống kê, kiểm soát, từ năm 2020 đến quý I/2024, cơ quan chức năng đã xử lý trên 700 vụ liên quan thuốc lá thế hệ mới, xử lý và tiêu huỷ hàng hoá trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng. Số lượng này chiếm 10% tổng số vụ liên quan đến thuốc lá nói chung, nhưng giá trị hàng chiếm trên 80%. Từ tháng 1/2023 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý trên 400 vụ. Gần đây, ở Hưng Yên, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với công an kiểm tra 1 vụ có trên 163.000 sản phẩm, gần 10 tấn phụ kiện các loại kèm theo.
Tại tọa đàm, trao đổi về việc đấu tranh với tình trạng buôn lậu thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới, Trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội cho biết, các sản phẩm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử đang ngày càng phổ biển. Đối với thuốc lá điện tử phổ biến với lứa tuổi thanh thiếu niên, thuốc lá nung nóng phổ biến với độ tuổi trưởng thành, thu nhập ổn định.
Thuốc lá điện tử giá trị thấp hơn, hiện đang xâm nhập vào hệ thống trường học gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của thanh thiếu niên. Đặc biệt, thuốc lá điện tử dễ gây phát sinh tệ nạn xã hội, như chúng ta đã biết có cả việc tẩm tinh dầu cần sa vào loại hình này. Các đối tượng kinh doanh thuốc lá điện tử đa số kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử, không gian mạng, đối tượng bán không có cửa hàng, nhà không biển. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Về lo ngại thuốc lá thế hệ mới xâm nhập vào trường học, theo ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, ngay cả thuốc lá bình thường cũng không được phép vào trường học. Luật đã quy định, vấn đề là thực thi các quy định. Ông Lê Đại Hải nêu, nếu chúng ta thừa nhận loại hình thuốc lá này thì cần có hành lang pháp lý.
Với thuốc lá điện tử, trên thế giới hiện nay có 27 nước cấm hoàn toàn, 8 quốc gia quản lý dưới dạng dược phẩm và thuốc điều trị, 47 quốc gia quản lý bằng hệ thống pháp luật thuốc lá truyền thống (hầu hết rơi vào quốc gia phát triển). Về thuốc lá làm nóng, 17 quốc gia cấm hoàn toàn, 9 quốc gia quản lý như thuốc lá truyền thống.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, hiện nay rất cần có hành lang pháp lý và hệ thống văn bản đồng bộ, chính sách phù hợp và chế tài xử lý đủ mạnh đối với việc quản lý, xử lý vi phạm mặt hàng thuốc lá điện tử, tạo sức ren đe, để kiểm soát, tiến tới đẩy lùi việc buôn lậu nói chung và đối với mặt hàng thuốc lá nói riêng.