Bệnh bắt đầu từ thói quen
Thích tụ tập bạn bè và ăn uống hàng quán, ăn đồ ăn nhanh, lười vận động... khiến cho không ít người trẻ mắc phải căn bệnh mỡ máu mà không hay biết.
Lạm dụng đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga, đồ chiên xào...gia tăng bệnh rối loạn mỡ máu ở người trẻ.
Theo Th.s. BS Doãn Thị Tường Vi, Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, bệnh rối loạn mỡ máu đang có xu hướng tăng ở người trẻ có liên quan chặt chẽ tới lối sống, thói quen ăn uống. Ngày nay, giới trẻ càng ít vận động, ít thể thao khiến cho năng lượng ăn vào không thể giải phóng ra.
“Thói quen ăn quá nhiều thịt, ăn các món chiên xào, đồ ăn nhanh, ăn đồ ngọt nhiều, uống nước có ga làm cho người trẻ mắc bệnh rối loạn mỡ máu ngày một tăng”, bác sĩ Tường Vi nói.
Những biến chứng nguy hiểm
Giáo sư, bác sĩ Phạm Gia Khải, Nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho hay, trong máu luôn có một lượng mỡ nhất định. Khi mắc phải bệnh rối loạn mỡ máu sẽ làm cho thành phần mỡ trong máu tăng giảm một cách bất thường. Những thành phần gây hại trong mỡ tăng lên và những phần có lợi giảm đi, từ đó gây hại cho cơ thể.
Trong trường hợp thành phần mỡ trong máu thay đổi sẽ kéo theo hàm lượng đường trong máu, chức năng thận…cũng thay đổi.
“Bệnh nhân rối loạn mỡ máu dễ phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ bất cứ lúc nào. Mỡ trong máu cao sẽ làm cho các thành mạch dễ bị tổn thương do mỡ lắng đọng tạo thành các mảng xơ vữa. Quá nhiều mảng xơ vữa sẽ gây ra tắc nghẽn lòng mạch. Nếu tắc nghẽn ở tim gây ra nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn ở não gây xuất huyết não, tắc nghẽn ở các chi gây ra hoại tử chi”, Giáo sư Khải nói.
Triệu chứng bệnh rối loạn mỡ máu thường không rõ ràng nên ít người biết mình mắc bệnh. Đặc biệt, ở người trẻ tuổi khi sức khỏe đang sung sức thường xem nhẹ những dấu hiệu của cơn đột quỵ thoáng qua như: ăn cơm tự dưng rơi đũa, chi mất cảm giác hoặc các chi bị đau, đi cà nhắc…
“Để ngăn ngừa bệnh rối loạn mỡ máu nhằm tránh các tai biến nguy hiểm, chúng ta phải có một chế độ ăn ít mỡ động vật, ăn nhiều trái cây, ăn ít đường, ăn ít gạo, tập thể dục nhiều hơn để giải phóng năng lượng. Một năm cần đi xét nghiệm sinh hóa máu 2 lần. Khi có dấu hiệu ăn ít vẫn tăng cân nhiều nên đi khám bệnh sớm”, bác sĩ Tường Vi khuyên.
Theo Emdep