Ban Tổ chức đăng nguyên văn những lời nhận xét này của nhà thơ Nguyễn Đức Quang, mời quý độc giả cùng đọc!
Con yêu trường lớp dạy con thành người
Câu thơ trong bài “Con yêu mái trường” của em Phạm Tuệ Nhi (lớp 1A4 trường TH Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nói lên đầy đủ ý nghĩa cuộc thi sáng tác “Thầy cô và mái trường” 5 mùa đã qua.
Quả thật, qua mỗi bài thơ và mỗi truyện ngắn, chúng ta không chỉ cảm động trước tình cảm với trường lớp, thầy cô mà còn trân trọng lòng biết ơn của các em với mỗi bài giảng, mỗi giờ lên lớp, mỗi hành động, việc làm đã hun đúc nên phẩm chất, tính cách mà các em có được.
Dù chỉ lẩy ra từ mỗi bài những khổ thơ bất kỳ chúng ta đều thấy mỗi em thể hiện “một vẻ” khác nhau những bài học làm người:
Cô dạy em xếp hàng
Bạn sau nhường bạn trước
Dạy em đi đều bước
Cho chúng em thẳng hàng
("Em yêu cô thầy" – Phạm Bách Nam, lớp 4A1 trường TH Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Cô nâng từng câu hát
Nhẹ nhàng tựa mây trôi
Dạy em yêu giai điệu
Dạy em biết vui cười
("Người gieo giai điệu" – Nguyễn Bảo Ngọc, lớp 5A7, TH Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Cô dạy em tập viết
Nắn nót chữ thẳng hàng
Sách bút phải gọn gàng
Làm người luôn ngay thẳng
("Cô giáo em rất hiền" – Nguyễn Thị Phương Uyên, lớp 2A3, trường TH Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên)
Ở thể loại thơ vào vòng chung khảo lần thứ 5 có loạt bài của 6 em ở huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) đã gây được ấn tượng. Đó là khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên nhưng cũng bao gian truân, khó khăn với thầy cô khi đến trường, đến lớp. Đó là tình cảm chân chất, mộc mạc của các em khi bày tỏ sự kính trọng, mến thương trước nỗi vất vả, sự hy sinh thầm lặng của thầy cô giáo với mình.
Em Sùng Yến Nhi (lớp 8A2, trường PTDTNT-THCS Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc), “Đường đến lớp” đã hình thành, nuôi dưỡng con đường ước mơ từ chính “hình ảnh cô giáo” thân thương:
Con đường em đến lớp
Ẩn hiện trong sương mờ
Đá tai mèo lởm chởm
Gập ghềnh theo bước đi.
Ước mơ em nhỏ bé
Mang bản làng ấm no
Có bóng hình cô giáo
Đồng hành cùng chúng em.
Em Dương Đặng Tường Lâm (lớp 9A2, trường THCS Thị trấn Mèo Vạc) trong bài "Mẹ em là cô giáo" đã mở đầu bài thơ bằng khung cảnh:
Mẹ em là cô giáo vùng cao
Vùng biên cương điệp trùng núi đá
Nơi đông về sương lạnh buốt giá
Mẹ lặng thầm “cùng chữ lên non”
Và kết thúc:
Khi ông mặt trời nhú màu son
Rực hồng chiếu những tia nắng mới
Khi mây mờ còn giăng kín lối
Mẹ đã trên đường “Cõng chữ lên non.
Cả không gian và thời gian cùng địa hình, thời tiết bao khắc nghiệt, khó khăn nhưng đâu quản được lòng yêu nghề, yêu trẻ của những người thầy, người cô vùng cao nói riêng của mọi miền đất nước nói chung.
Ở cả hai thể loại: thơ và văn xuôi đều có 33 tác phẩm vào vòng chung khảo:
Ở phần thơ sự hồn nhiên trong trẻo, dạt dào tình cảm thì phần văn xuôi chất suy tư, chiêm nghiệm nhiều hơn qua mỗi truyện ngắn:
Truyện ngắn "Người truyền lửa" của em Đặng Văn Mạnh (lớp 9C, trường THCS Lý Tự Trọng, huyện Đô Lương, Nghệ An) đã đem tới nhiều bài học bổ ích cho lứa tuổi “bồng bột” của các em. Lời dặn dò của cô như mãi còn thấm nhuần trong tâm trí “Sau này các em có trở thành ai, các em có quan điểm riêng, nhưng các em vẫn cần bám vào các khung quy chuẩn “đúng đắn” của cuộc đời để hành xử. Các em hiểu không?”. Để rồi em hiểu thêm rằng: “Hoá ra xa vời nhất không phải tia nắng cuối cùng trên tầng mây cao vút mà xa vời nhất khi nhìn lại những ước mơ dang dở mà bản thân đã bỏ lỡ vì chưa đủ nỗ lực trong cuộc đời”.
Ở cuộc thi lần thứ 5 này, có một ngôi trường đặc biệt – không chỉ ở đảo xa mà thêm “lạ” chỉ có một thầy, nhiều trò khác lớp. Em Nguyễn Thị Quỳnh Anh (lớp 6A5 trường THCS Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) qua truyện ngắn “Cánh thư từ Trường Sa” không chỉ gửi vào mỗi câu, mỗi chữ niềm thương nỗi nhớ của mình mà còn giúp cho chúng ta thêm yêu, thêm mến trường TH Thị trấn Trường Sa mà em đã từng học tập.
Đây là ngôi trường “nằm gọn giữa những hàng cây phong ba, cây bàng vuông chắn gió, chắn cát”.
Đây là lớp học “có cả anh chị lớp 5 và cả các em mầm non, lớp mẫu giáo”.
Đây là thầy giáo “Thầy giáo của tôi tên là Bành Hữu Tình. Thầy có nụ cười hiền khô, vừa dạy các em học, vừa hướng dẫn các con chơi và cùng các em tham gia các giờ học ngoại khoá”.
Đây là…
Ai đã từng đến với Trường Sa khi đọc xong truyện ngắn này đều rưng rưng xúc động, bởi vì chủ quyền biển đảo được bắt đầu từ chính những điều tưởng như nhỏ bé, bình dị nhất : Một lớp học trẻ thơ rất đỗi thân quen.
Cuộc thi “Thầy cô và mái trường” lần thứ 5 đã mở ra bao điều bất ngờ và thú vị như thế. Có một ngôi trường nơi đảo xa, có những tác giả “ấn tượng” vùng biên cương Tổ quốc. Có những nỗi niềm bâng khuâng, tuổi học trò khi mùa phượng đã qua, cả những bài học đầu đời khi lần đầu đến lớp. Mỗi bài thơ, truyện ngắn đều giúp các em bày tỏ, thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình nhưng tựu trung là lòng biết ơn thầy cô, mái trường: “Con yêu trường lớp dạy con thành người”.
Chúc mừng cuộc thi đã thành công.
Chúc mừng các em đã có những kết quả xứng đáng.
Hà Nội, 8/3/2025