Đạo diễn Phi Tiến Sơn trải lòng về 'Đào, phở và piano'

Trong cuộc thảo luận điện ảnh ngày 3/3, cha đẻ của 'Đào, phở và piano' - đạo diễn Phi Tiến Sơn đã có cơ hội chia sẻ về thuận lợi và khó khăn khi làm phim lịch sử, cũng như bàn về sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh của nước nhà trong tương lai.

Bật đúng công tắc, tiềm thức yêu nước sẽ bùng lên

Tại không gian Cà phê thứ 7 (Hà Nội) diễn ra chuyên đề điện ảnh Từ Hà Nội mùa đông năm 46 đến Đào, phở và piano, với sự tham gia của hai đạo diễn Đặng Nhật Minh và Phi Tiến Sơn. Cả hai bộ phim đều làm về cùng một giai đoạn lịch sử: Hà Nội những năm 1946, 1947.

Cuộc nói chuyện Từ Hà Nội mùa đông năm 46 đến Đào, phở và piano có sự tham gia của đạo diễn Phi Tiến Sơn (bên trái), Đặng Nhật Minh (ở giữa). Nhạc sĩ Dương Thụ (bên phải phải) dẫn chuyện.
Cuộc nói chuyện Từ Hà Nội mùa đông năm 46 đến Đào, phở và piano có sự tham gia của đạo diễn Phi Tiến Sơn (bên trái), Đặng Nhật Minh (ở giữa). Nhạc sĩ Dương Thụ (bên phải phải) dẫn chuyện.
Đào, phở và piano bất ngờ gây sốt phòng vé thời gian qua nhờ hiệu ứng của mạng xã hội. Từ đây, nhiều khán giả trẻ "lục lại" Hà Nội mùa đông năm 46 - phim của đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh làm cách đây gần 30 năm trước.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn xúc động trước sự quan tâm rất lớn của khán giả dành cho Đào, phở và piano. Khi bộ phim bất ngờ hot, nhiều bạn bè và đồng nghiệp nhắn tin chúc mừng đạo diễn. "Tôi rất bất ngờ và xúc động trước sự quan tâm của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Nhưng nói phim Đào, phở và piano là hiện tượng thì hơi quá lời".

Nam đạo diễn cho hay, ông làm phim Đào, phở và piano vì tình yêu với mảnh đất kinh kỳ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bản thân luôn thầm hứa phải làm gì đó vì Hà Nội. Tôi luôn tự thấy như mình có 1 món nợ với mảnh đất này nên trong tôi luôn có sự thôi thúc phải làm phim về Hà Nội".

Đạo diễn Phi Tiến Sơn chỉ đạo trực tiếp trên phim trường.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn chỉ đạo trực tiếp trên phim trường.
Bên cạnh đó, ông khẳng định sự thành công, lan tỏa của bộ phim đến từ tiềm thức dân tộc sẵn có của người dân Việt Nam mà ông và đoàn làm phim chỉ là chất xúc tác để công tắc đó bật lên. "Làm phim về đề tài lịch sử là một con đường chông gai, nhiều thử thách. Tôi hy vọng từ hiệu ứng của Đào, phở và piano sẽ có thêm những nhà làm phim khác, không chỉ Nhà nước mà cả tư nhân, quan tâm tới đề tài này", đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ.

Cũng vì độ nóng của phim, nam đạo diễn cũng nhận được nhiều lời mời viết kịch bản lịch sử. "Sau sự bùng nổ của Đào, phở và piano tôi nhận được nhiều lời mời của các hãng sản xuất phim tư nhân nhưng tôi không nhận lời, bởi con đường này khó đi. Tôi tin tưởng các đồng nghiệp của tôi vẫn sẽ tiếp tục con đường làm phim lịch sử dẫu nhiều chông gai", đạo diễn Phi Tiến Sơn nói.

Nhiều bất cập khi làm phim lịch sử

Khi được hỏi về khó khăn trong quá trình sản xuất phim Đào, phở và piano, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho hay việc giải trình chi phí và phương án thiết kế bối cảnh, đạo cụ của phim không dễ dàng. Trong khi bộ phim đòi hỏi sự tốn kém trong việc tái hiện không gian đường phố đổ nát vì bom đạn; những chiến lũy được dựng từ giường tủ, bàn ghế... trên phố phường.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn mong khán giả thông cảm và thấu hiểu những khó khăn, thiếu sót của các nhà làm phim lịch sử.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn mong khán giả thông cảm và thấu hiểu những khó khăn, thiếu sót của các nhà làm phim lịch sử.
Theo đạo diễn, khu phố cổ Hà Nội trong Đào, phở và piano được dựng hoàn toàn tại một khu đất trống trong doanh trại quân đội ở Vĩnh Phúc. Đội ngũ thiết kế mỹ thuật dựng một con đường với vỉa hè, những bức tường đổ nát, chiến lũy. Họ dựng một số căn nhà rồi phá đổ, vẽ biển hiệu, làm sơn bong tróc và trầy xước cho đúng thời đại. Xe tăng, tàu điện cũng được đặt làm riêng. Bản thân ông choáng váng khi nhìn thấy phim trường.

Đạo diễn chia sẻ, khi thực hiện phân cảnh người lính thả pháo vào nồi gang để phân tán sự chú ý của giặc, ông đã mời một cựu chiến binh tới để tham vấn về tình huống này. Tuy nhiên, chính bản thân của người này cũng không thể nhớ chính xác. Chính vì vậy, đạo diễn Phi Tiến Sơn nói thêm: "Các bạn thấy đấy, đến người trong cuộc cũng không nhớ chính xác. Chúng tôi tính toán cần tạo hiệu quả cho hình ảnh và âm thanh. Họa sĩ thiết kế chọn nồi đồng bởi đấy là món đồ đặc trưng của Hà Nội, vừa tạo ấn tượng về âm thanh, vừa gửi gắm được hồn cốt dân tộc. Nếu ai bảo tôi chứng minh thời đấy người dân làm vậy thì tôi chịu".

Đối với những "hạt sạn" khán giả chỉ ra, ví dụ như cục nóng điều hòa lọt vào khung hình, nam đạo diễn mong khán giả thông cảm và thấu hiểu những khó khăn, thiếu sót của các nhà làm phim lịch sử. Bởi việc dựng lại đúng hoàn toàn so với bối cảnh lịch sử không phải điều dễ dàng nên ông hi vọng khán giả sẽ xem phim với tâm thế rộng mở, chấp nhận những chi tiết ước lệ, sáng tạo nếu nó không phải sai sót quá lớn.

Cùng nói về những khó khăn khi làm phim lịch sử, họa sĩ Phạm Quốc Trung cho biết, ông từng thắc mắc vì sao phim cổ trang, lịch sử Trung Quốc nhiều và dễ làm, rồi hiểu rằng họ có phim trường mênh mông, lượng phục trang và đạo cụ dồi dào, thời nào cũng có. "Ở Việt Nam làm phim lịch sử rất khó, tất cả các loại đạo cụ, xe cộ đều phải tự làm, bắt đầu từ con số không".

"Nhà nước cần thực sự vào cuộc"

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ khi làm phim nhà nước, từ khi xóa bỏ bao cấp, Nhà nước chỉ chú trọng khâu sản xuất, còn bỏ lửng khâu phát hành. Nhà nước chỉ giữ lại một rạp quan trọng nhất là Trung tâm Chiếu phim quốc gia.

"Lần này, phim Đào, phở và piano thu về 10 tỉ đồng. Nhân đây, Nhà nước đã quan tâm tới sản xuất cũng nên quan tâm cả khâu phát hành, bởi hai yếu tố nên đi song hành với nhau", đạo diễn phim Hà Nội mùa đông năm 46 phát biểu.

Phim Đào, phở và piano càng đắt vé, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia càng lỗ.
Phim Đào, phở và piano càng đắt vé, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia càng lỗ.
Cùng bàn về sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh nước nhà, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết phim Đào, phở và piano càng đắt vé, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia càng lỗ. Điều này xảy ra bởi Đào, phở và piano là phim nhà nước đặt hàng, mọi doanh thu của phim sau đó sẽ được nộp hết về ngân sách nhà nước và chủ rạp không được chia phần trăm doanh thu.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng nếu cứ vận hành theo cách này, "vừa tốn công, tốn sức của đoàn làm phim, đồng thời cũng là một ứng xử chưa tốt, phần nào đó coi thường khán giả và lãng phí tiền của Nhà nước. Khán giả là khách hàng. Từ giờ trở đi, tôi nghĩ Nhà nước sẽ để ý khâu phát hành này hơn... Tôi hy vọng các nhà sản xuất phim sẽ thấy được khán giả quan tâm đến lịch sử, quan tâm đến niềm tự hào dân tộc và được Nhà nước động viên, ủng hộ. Từ đó, sẽ có những bom tấn có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa chính trị, ý nghĩa nhân văn cao. Nhưng Nhà nước cần phải đầu tàu, cần phải tìm ra hướng đi, cần thực sự làm việc, thực sự vào cuộc", nam đạo diễn mong mỏi.

(Theo VOV)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đạo diễn Phi Tiến Sơn trải lòng về 'Đào, phở và piano' tại chuyên mục Phim của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phim khác

Những thước phim xúc động

Những đốm sáng lập lòe trong màn đêm, cuộc đời không hề bằng phẳng nhưng tràn ngập tình yêu thương đã chạm tới trái tim của nhiều thế hệ khán giả mỗi khi nhắc về bộ phim “Mộ đom đóm”. Đã hơn 30 năm kể từ lần đầu ra mắt, tính nhân văn đầy sâu sắc của bộ phim vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Top những phim Hoa ngữ đáng được chờ đợi ra mắt tháng 11

Vào tháng 11 tới đây, các mọt phim Hoa ngữ sẽ được thưởng thức loạt phim cổ trang được mong ngóng bấy lâu. Bên cạnh việc được thưởng thức những bộ phim chất lượng, dân tình còn chờ đợi xem tác phẩm nào sẽ thắng thế trên đường đua phim ảnh dịp cuối năm này.

Cùng trang bị kiến thức qua series phim hoạt hình

Chùm phim hoạt hình đặc biệt gồm 10 tập về chủ đề phòng, chống thiên tai, trong đó có những thông tin rất bổ ích để ứng phó với bão, lũ, ngập lụt được Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trên kênh VTV3 từ ngày 14/9.