Cuối tháng 3, đầu tháng 4 là thời điểm vào mùa dâu - thứ quả được nhiều người ưa thích vì vừa ngon ngọt, lại vừa có nhiều công dụng làm đẹp, chữa bệnh và giải nhiệt tốt.
Tuy nhiên, nước dâu không phải cứ uống nhiều là tốt, đối với một số người, việc uống nhiều nước ngâm dâu tằm sẽ không có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, dâu tằm là loại quả mọng dễ lên men nên nếu uống nhiều sẽ rất dễ say.
Theo thầy thuốc Đông y Nguyễn Hồng Siêm, dâu là thứ quả mọng được biết đến rất nhiều trong y dược, vì chúng là vị thuốc thường được dùng để trị các bệnh như tiểu đường, mắt mờ, ù tai, thiếu máu, làm đen tóc... Ngoài việc ăn quả tươi thì có thể chế biến dâu tằm thành siro, ngâm đường, nấu lên cô đặc thành cao để uống hoặc ủ cùng men rượu làm rượu bổ.
"Sau khi qua mùa dâu tằm, nước dâu tằm thường được sử dụng để giải nhiệt, thay thế cho việc ăn quả tươi. Nhưng nếu uống nước dâu nhiều, không có liều lượng thì sẽ rất dễ bị say, do nước ngâm dâu trong thời gian dài sẽ lên men. Tương tự như nước ngâm, rượu ủ dâu tằm cũng vậy, dù rượu ngọt và nhẹ độ nhưng vẫn có thể gây say cho người uống", bác sĩ Hồng Siêm cho hay.
Thầy thuốc Hồng Siêm cũng cho hay, việc uống rượu ủ dâu hay dùng nước ngâm dâu phải hết sức cẩn thận.
"Đối với những người có men gan cao thì uống rượu ủ dâu hay nước ngâm lên men sẽ không tốt, sẽ hại đến gan vì dù chúng nhẹ độ nhưng vẫn có cồn, tốt nhất là nên ăn quả tươi. Đối với cơ địa của một số người, nếu uống quá nhiều nước dâu ngâm còn bị dị ứng như ngứa ngáy", bác sĩ nói.
Khi uống nhiều nước ngâm dâu có cảm giác say thì nên ngừng uống, nằm nghỉ ngơi để bay hết hơi men, những ngày sau điều chỉnh lại liều lượng cho phù hợp.
Sử dụng nước ngâm dâu sao cho đúng?
Nói về công dụng đối với sức khỏe con người, thầy thuốc Hồng Siêm cho hay, nước dâu dùng để giải nhiệt quả thực rất tốt, uống lâu dài còn có thể giúp hạ đường huyết trong máu, hỗ trợ điều trị tiểu đường, chữa táo bón...
Bác sĩ cho hay: "Vì dâu có tính hàn nên dùng để giải nhiệt mùa hè tốt, nhưng những người thường bị lạnh bụng, thường xuyên bị tiêu chảy thì nên tránh uống nước dâu".
Mặc dù dâu có công dụng hạ đường huyết, nhưng nước dâu được chiết bằng cách ngâm quả với rất nhiều đường.
Vậy nên những ai bị tiểu đường thì nên cân nhắc sử dụng loại nước này. Tương tự, những người bị hạ đường huyết cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ khi uống.
"Nước dâu khi uống cũng có thể giúp hạ huyết áp, dù tốt với người mắc bệnh cao huyết áp nhưng sẽ nguy hiểm với người huyết áp thấp, vậy nên những ai có tiểu sử bị huyết áp thấp nên cân nhắc. Về liều lượng, mỗi ngày chỉ nên uống độ 20cc nước cốt dâu ngâm, có thể pha ra cho loãng rồi uống. Không nên uống quá nhiều vì có thể gây rối loạn cho cơ thể" - thầy thuốc Hồng Siêm cho biết.
Nếu các bạn nấu cô đặc quả dâu để sử dụng thì mỗi ngày nên dùng khoảng 1 - 2 chén nhỏ. Nếu dùng lâu dài có thể chữa thiếu máu, da xanh xao, người gầy yếu. Nếu uống trước khi đi ngủ có thể chữa mất ngủ, choáng đầu, chóng mặt.
Cũng theo kinh nghiệm dân gian, khi nấu hay chế biến dâu nên tránh dùng đồ kim loại. Nếu làm siro hay ngâm nước dâu thì nên dùng bình thủy tinh, nếu nấu cô đặc, luộc dâu thì nên dùng nồi đất để đảm bảo giữ được độ dinh dưỡng.
Theo Emdep