Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các chuyên gia giáo dục đã ghi nhận những tín hiệu tích cực về chất lượng đề thi cũng như kết quả thi trên toàn quốc. Đề thi năm nay được đánh giá cao về tính phân hóa, bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới, phản ánh sát năng lực thật của học sinh.

Đặc biệt, Huế lần đầu tiên xếp thứ 9/34 tỉnh, thành phố có phổ điểm thi tốt nghiệp cao nhất cả nước. Trong đó, có 5 môn thi của Huế lọt vào top 10 về điểm trung bình: Hóa học (6,57 điểm, xếp thứ 2), Ngữ văn (7,19 điểm), Địa lý (6,79 điểm), Toán (4,88 điểm) – cùng xếp thứ 7, và Vật lý (7,14 điểm, xếp thứ 9). Riêng môn Toán dù đề khó vẫn có điểm trung bình cao hơn mức trung bình toàn quốc (4,78 điểm).
Không chỉ có điểm trung bình ấn tượng, nhiều học sinh Huế còn đạt điểm tuyệt đối: 73 điểm 10 môn Vật lý, 62 điểm 10 môn Địa lý, 14 điểm 10 môn Hóa học, 13 điểm 10 môn Kinh tế – Pháp luật, 7 điểm 10 môn Lịch sử và 4 điểm 10 môn Toán. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh năm nay là kỳ thi đầu tiên áp dụng hoàn toàn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới trong cấu trúc đề thi.
Hành trình vươn lên top 10 không phải ngẫu nhiên. Từ năm 2022 đến nay, phổ điểm thi tốt nghiệp của TP. Huế liên tục được cải thiện: từ hạng 29 năm 2022, lên 26 năm 2023, 25 năm 2024 và vươn lên hạng 9 năm nay.
Theo thầy Nguyễn Tân – Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Huế, kết quả này là minh chứng cho sự kiên định với nguyên tắc “dạy thật – học thật – chất lượng thật”. Ngành giáo dục Huế không chạy theo thành tích hay luyện thi kiểu “học tủ – học lệch”, mà tập trung nâng cao chất lượng từ nền móng, đảm bảo học sinh nắm vững kiến thức, phát triển toàn diện.
Từ nhiều năm qua, Sở GD&ĐT Huế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: phân tích phổ điểm từng năm để xác định điểm yếu – điểm mạnh; cử giáo viên giỏi hỗ trợ các trường vùng sâu vùng xa; xây dựng ngân hàng đề thi bám sát thực tiễn; tổ chức phụ đạo học sinh yếu nhằm kéo đều chất lượng giữa các khu vực.

Không chỉ tập trung vào học sinh cuối cấp, ngành giáo dục Huế còn chú trọng nâng chất từ bậc THCS. Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT diện rộng trên toàn thành phố với hình thức kết hợp điểm học bạ và bài kiểm tra 3 môn Toán – Văn – Ngoại ngữ theo tỉ lệ 70-30 đã tạo động lực học đều các môn ngay từ lớp 6, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào THPT, đồng thời xây dựng nền tảng học tập vững chắc cho học sinh.
Dù còn nhiều khó khăn, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được các trường học tại Huế tiếp cận linh hoạt, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Các bạn được khuyến khích tự học, phát triển tư duy, ứng dụng kiến thức vào thực tế thay vì học thuộc lòng máy móc. Cách làm này giúp học sinh tự tin xử lý đề thi theo cách riêng, không phụ thuộc vào sách giáo khoa hay ôn luyện mẫu.
Đặc biệt, các kỳ kiểm tra định kỳ tại các trường phổ thông ở Huế được tổ chức theo hướng chung đề, chung đánh giá, bảo đảm khách quan, minh bạch và tạo môi trường học tập công bằng. Điều này không chỉ hạn chế tình trạng dạy thêm – học thêm tràn lan mà còn góp phần phát triển năng lực thực sự cho đội ngũ giáo viên.

Thầy Nguyễn Tân cho biết, kết quả đáng tự hào năm nay không chỉ đến từ nỗ lực cá nhân của từng học sinh mà là kết tinh của một hệ sinh thái giáo dục đồng bộ, trong đó có sự dẫn dắt từ chủ trương đúng đắn, tâm huyết của thầy cô, sự đồng hành của phụ huynh và sự quan tâm của toàn xã hội.
TP. Huế đang đi đúng hướng trong hành trình xây dựng nền giáo dục thực chất, toàn diện, bền vững. Không lựa chọn những bước nhảy ngắn theo kiểu “đua thành tích”, Huế chọn cách đi chậm mà chắc, với niềm tin: chỉ có chất lượng thật mới là nền tảng vững vàng cho tương lai của thế hệ trẻ.