Hành trình "vượt ngàn chông gai" để trở thành Bộ trưởng giả định của Trần Lê Hà Vy

Thảo Phan
Trần Lê Hà Vy, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, đã xuất sắc vượt qua nhiều ứng viên để trở thành Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em lần thứ II, năm 2024.

Ứng cử viên "vượt ngàn chông gai"

Trong quá trình tham gia ứng cử cho vị trí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giả định, Trần Lê Hà Vy nhận ra rằng hành trình này không hề dễ dàng. Hà Vy thẳng thắn chia sẻ rằng cô bạn khá bất ngờ khi biết mình được chọn cho vị trí quan trọng này, vì quá trình ứng cử đòi hỏi không chỉ sự chuẩn bị chu đáo mà còn cả kiến thức nền tảng sâu rộng.

Chân dung Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giả định Trần Lê Hà Vy.
Chân dung Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giả định Trần Lê Hà Vy.

Hà Vy đã tự tin đối diện với những thách thức và thử thách bằng cách tham khảo nhiều tài liệu học thuật, đọc rất nhiều bài báo để hoàn thiện các bài phát biểu của mình. “Ở độ tuổi học sinh, việc sử dụng ngôn ngữ chuyên môn mang tính học thuật vẫn còn là một thử thách lớn. Tớ chưa từng tiếp xúc nhiều với các hoạt động chính trị, xã hội phức tạp như thế này. Để ứng cử cho vị trí Bộ trưởng giả định, tớ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu văn bản hành chính và pháp luật, từ đó xây dựng kiến thức và kỹ năng cần thiết,” Hà Vy chia sẻ.

Tham gia Phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em lần thứ II, Hà Vy luôn mang theo ý chí quyết tâm cùng tinh thần ham học hỏi. Mục tiêu của Vy không chỉ là trở thành Bộ trưởng giả định, mà còn là tích lũy kiến thức và kinh nghiệm từ các bạn đến từ nhiều địa phương khác. Những kinh nghiệm học được sẽ giúp em trở thành một tuyên truyền viên tích cực tại địa phương, với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và xã hội.

Lan tỏa thông điệp tích cực

Trong phiên thảo luận tổ diễn ra ngày 28/9 vừa qua, Hà Vy đã nêu bật một vấn đề gây nhức nhối tại địa phương nơi Hà Vy sinh sống: "bạo lực học đường". Theo Hà Vy, bạo lực học đường là vấn nạn không chỉ ở địa phương mà còn ở nhiều nơi khác, gây tổn thương sâu sắc cho các em học sinh. Cô bạn mạnh dạn chia sẻ rằng nhiều bạn bị bạo lực nhưng vì e dè và sợ hãi mà không dám kể với ai, đặc biệt là bố mẹ.

Tại buổi thảo luận tổ Hà Vy nhấn mạnh: “Tớ muốn lan tỏa một thông điệp tích cực về vấn đề bạo lực học đường, đó là hãy dũng cảm đối mặt và đừng để cha mẹ là người biết về sự việc cuối cùng”. Thông điệp này không chỉ là lời nhắc nhở, mà còn là một lời kêu gọi hành động cho tất cả các học sinh hãy cùng nhau đẩy lùi bạo lực học đường.

Ngoài ra, Hà Vy còn quan tâm đến vấn đề các bạn học sinh đang bị cám dỗ bởi thuốc lá, thuốc lá điện tử và các chất kích thích khác. Vy chia sẻ quan điểm của mình rằng: “Bớt một gói thuốc, thắp thêm hy vọng. Các bạn học sinh hãy sốc lại tinh thần thật mạnh mẽ để đương đầu với những cám dỗ mà độ tuổi của chúng ta chưa đủ nhận thức đầy đủ để kiểm soát”.

Trần Lê Hà Vy tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 28/9.
Trần Lê Hà Vy tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 28/9.

Ước mơ trở thành công dân tốt

Khi chia sẻ về ước mơ của mình trong tương lai, Trần Lê Hà Vy không chỉ nghĩ đến những hoài bão lớn lao mà trước hết em mong muốn trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội. "Trước khi bay cao, bay xa với những ước mơ lớn hơn, tớ nghĩ rằng điều quan trọng nhất là phấn đấu trở thành một công dân tốt trước đã", Hà Vy tâm sự.

Trần Lê Hà Vy còn chia sẻ rằng sau này mong muốn trở thành ca sĩ, với niềm đam mê sáng tác và ca hát. Các bài hát mà cô muốn sáng tác sẽ tập trung ca ngợi quê hương, đất nước, hòa bình và tự do và đặc biệt nhấn mạnh: “Chỉ khi đất nước có độc lập, tự do, hạnh phúc thì trẻ em mới có thể phát triển toàn diện”. Điều này thể hiện tầm nhìn rộng mở và sự quan tâm đặc biệt của Hà Vy đối với sự phát triển của đất nước và trẻ em.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hành trình "vượt ngàn chông gai" để trở thành Bộ trưởng giả định của Trần Lê Hà Vy tại chuyên mục Gương Mặt của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Gương Mặt khác

Ngọc Hân thật đáng khen

Chủ động, tự giác và chỉn chu – đó là những phẩm chất tốt đẹp mà bạn Nguyễn Ngọc Hân (lớp 4A1, trường Tiểu học Cổ Nhuế 2A, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nỗ lực để rèn luyện, xây dựng cho bản thân.

Xứng danh người chị dịu hiền

Luôn ấp ủ trong lòng hình ảnh về người giáo viên Tổng phụ trách Đội đẹp như trong ca khúc Người thanh niên mang khăn quàng đỏ của nhạc sĩ Hoàng Vân, cô giáo Nguyễn Hoa Lý – Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội) lúc nào cũng tự nhủ mình cần phải cố gắng tu dưỡng phẩm chất tốt để trở thành “tấm gương soi từng kỷ niệm tuổi thơ trong sáng” cho học trò.

Thầy “kính cận” của chúng em

Thầy Phạm Tùng Lộc (sinh năm 1993), với nụ cười khiêm nhường ẩn sau cặp kính cận, là một giáo viên đầy tâm huyết, luôn dành tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt cho các bạn học sinh.