Hố thiên thạch 3,5 tỷ năm tuổi – dấu vết va chạm cổ xưa nhất trên Trái Đất

NN
Các nhà khoa học xác định một hố va chạm rộng ít nhất 100 km, có thể hình thành do thiên thạch lao vào Trái Đất với tốc độ hơn 36.000 km/h khoảng 3,5 tỷ năm trước.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Curtin và Cơ quan Khảo sát Địa chất Tây Australia phát hiện hố va chạm cổ xưa nhất thế giới ở vùng Pilbara, tây bắc Australia, theo New Atlas ngày 6/3. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Hố va chạm này hình thành vào thời kỳ Trái Đất thường xuyên hứng chịu thiên thạch. Do quá cổ xưa, hố trũng đặc trưng đã bị bào mòn theo thời gian, nhưng nhóm khoa học xác định dấu vết của nó thông qua các "hình nón vỡ" – đặc điểm địa chất chỉ xuất hiện dưới áp lực cực lớn, như trong các vụ va chạm thiên thạch hoặc nổ hạt nhân dưới lòng đất.

Các nhà địa chất Australia phát hiện bằng chứng về hố va chạm lâu đời nhất hành tinh, có niên đại 3,5 tỷ năm.
Các nhà địa chất Australia phát hiện bằng chứng về hố va chạm lâu đời nhất hành tinh, có niên đại 3,5 tỷ năm.

Với đường kính ít nhất 100 km, hố va chạm này cho thấy thiên thạch khi đó có thể gây ra tác động trên quy mô toàn cầu. Các nhà khoa học ước tính vụ va chạm xảy ra khoảng 3,47 tỷ năm trước, lập kỷ lục mới về hố va chạm lâu đời nhất từng được tìm thấy trên Trái Đất.

"Trước phát hiện này, hố va chạm cổ nhất là Yarrabubba, 2,2 tỷ năm tuổi. Như vậy, phát hiện mới đã đẩy mốc thời gian này lùi xa thêm hơn một tỷ năm", giáo sư Tim Johnson, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. Hố Yarrabubba nằm cách phát hiện mới khoảng 800 km về phía nam.

Trong hai tỷ năm đầu tiên, Trái Đất liên tục hứng chịu các vụ va chạm thiên thạch khổng lồ, trong đó có sự kiện tạo ra Mặt Trăng khoảng 4,5 tỷ năm trước. Tuy nhiên, rất ít hố va chạm từ thời kỳ này còn tồn tại do sự vận động kiến tạo, xói mòn và các quá trình địa chất khác đã xóa đi dấu vết. Ngược lại, Mặt Trăng vẫn lưu giữ nhiều vết tích do bề mặt ít bị thay đổi theo thời gian.

"Nghiên cứu này không chỉ bổ sung một mảnh ghép quan trọng về lịch sử va chạm của Trái Đất, mà còn gợi mở khả năng phát hiện thêm nhiều hố va chạm cổ khác trong tương lai", Johnson nói thêm.

Theo nhóm nghiên cứu, những vụ va chạm lớn như thế này có thể đã định hình sự tiến hóa của Trái Đất theo cách mà ngày nay vẫn còn ảnh hưởng.

"Lượng năng lượng khổng lồ từ cú va chạm có thể đã đẩy một phần vỏ Trái Đất xuống sâu hơn, hoặc khiến magma từ lớp phủ dâng lên bề mặt. Thậm chí, nó có thể góp phần vào sự hình thành nền cổ (craton) – những khối đất lớn và ổn định, tạo nên nền móng của các lục địa ngày nay", giáo sư Chris Kirkland, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hố thiên thạch 3,5 tỷ năm tuổi – dấu vết va chạm cổ xưa nhất trên Trái Đất tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Những tấm pin mặt trời rực rỡ sắc màu

Lấy cảm hứng từ đôi cánh xanh lấp lánh của bướm Morpho, các nhà khoa học Đức đã phát triển các tấm pin năng lượng mặt trời vừa có màu sắc tươi vui vừa đảm bảo hiệu suất.

Về làng Vân xem Hội vật cầu nước

Vật cầu nước là lễ hội đặc sắc, gắn liền với lịch sử và truyền thống của làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Đây là dịp để người dân tưởng nhớ những anh hùng dân tộc, đồng thời thể hiện niềm khao khát mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân trồng lúa nước.