Các thói quen ăn uống như ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều chất béo, bánh kẹo, uống nhiều nước ngọt... là yếu tố nguy cơ làm tăng thừa cân béo phì. Đặc biệt, đối với trẻ em ít hoạt động thể lực còn là nguyên nhân dẫn đến thấp chiều cao. Do vậy, quan trọng nhất là phải cho trẻ có một chế độ ăn hợp lý và thay đổi lối sống.
Một chế độ ăn hợp lý có nghĩa là cân đối đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất, không ăn quá nhiều chất ngọt, chất béo, những thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng, chất đạm ăn ở mức vừa phải, ăn nhiều rau xanh, quả chín ít ngọt, hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, các loại nước ngọt sản xuất công nghiệp. Đối với trẻ em, một chế độ ăn hợp lý còn có tác dụng thúc đẩy phát triển chiều cao.
Phải thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ theo từng tháng tuổi. Đối với trẻ dưới 5 tuổi thì theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ trên biểu đồ phát triển nếu thấy cân nặng của trẻ vượt kênh A quá nhiều thì cần phải đi khám tư vấn dinh dưỡng. Bình thường, trẻ chỉ tăng cân nhanh ở dưới 1 tuổi. Còn từ 1 - 10 tuổi trẻ chỉ tăng 2 - 2,5 kg/năm.
Ngoài chế độ ăn uống hợp lý cần phải tuân thủ, cha mẹ cần chú ý khuyến khích con tăng cường vận động tập thể dục thể thao. Đây cũng là yếu tố quan trọng để ngăn chặn tình trạng thừa cân béo phì, bên cạnh đó còn có tác dụng thúc đẩy chiều cao cho trẻ.
Giảm cân cho trẻ bị thừa cân béo phì
Điều cần thiết là phải điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Nguyên tắc chính để điều trị thừa cân béo phì ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn kết hợp với hoạt động thể lực. Nên hạn chế các loại bánh kẹo, đường, mật, sữa đặc có đường, sữa béo nhưng có thể uống sữa gầy (sữa bột tách bơ).
Khi chế biến thức ăn nên làm các món hấp, luộc, hạn chế món quay, xào, rán. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt. Cần có chế độ ăn điều độ, không ăn quá no, không được bỏ bữa, không để trẻ quá đói, ăn nhiều vào buổi sáng, không nên ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đồng thời, cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như chạy, bơi, nhảy dây, đi bộ... hạn chế xem tivi, chơi điện tử. Cần lưu ý, thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ và thời gian hoạt động của trẻ.
Những cách giúp trẻ chống béo phì
Dự phòng thừa cân béo phì chủ yếu là dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực. Cần có ý thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ trong bào thai bằng cách chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ khi mang thai.
Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung cần có khẩu phần ăn hợp lý đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo và chất xơ, vitamin, khoáng chất). Không ép trẻ ăn quá mức nhu cầu trẻ có thể ăn được.
Đối với trẻ lớn và vị thành niên nên ăn uống hợp lý, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để trẻ phát triển bình thường, đồng thời khuyến khích trẻ ăn rau quả, hạn chế sử dụng thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống nhiều đường.
Ở lứa tuổi này nên tăng cường vận động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo lứa tuổi như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy nhảy, bơi lội... hạn chế xem tivi, chơi điện tử và thức quá khuya.
Ngoài ra, cần theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng chiều cao nhằm phát hiện sớm thừa cân béo phì để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ.
Minh Phương (tổng hợp)