Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp đang chiếm 10% tổng lưu lượng truy cập cố định và 22% tổng lưu lượng truy cập di động trên mạng lưới Internet toàn cầu. Các khoản đầu tư của công ty vào AI sẽ thúc đẩy hơn nữa nhu cầu này.
Do đó, để đảm bảo cơ sở hạ tầng đáng tin cậy và phục vụ hoạt động kinh doanh thuận lợi, Meta muốn tự mình nắm quyền điều hành mạng lưới Internet riêng thông qua siêu dự án tuyến cáp ngầm mới.
Theo Techcrunch, Meta có kế hoạch xây dựng một tuyến cáp quang trải dài khắp thế giới, với tổng chiều dài khoảng 40.000 km cùng mức tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD. Gã khổng lồ công nghệ sẽ là chủ sở hữu và đơn vị khai thác duy nhất của tuyến cáp ngầm này.
Sunil Tagare, nhà sáng lập công ty Flag Telecom cho biết kế hoạch của Meta sẽ bắt đầu với ngân sách 2 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án có thể cần tới 10 tỷ USD khi triển khai trong nhiều năm.
Một số nguồn tin thân cận với Meta cũng xác nhận dự án nhưng cho biết nó vẫn đang trong giai đoạn đầu. Công ty dự kiến chia sẻ công khai hoạt động thi công vào đầu năm 2025, khi họ xác nhận tuyến đường dự kiến, công suất và một số thông tin liên quan đến lắp đặt.
Ngoài ra, tuyến cáp của Meta sẽ cần nhiều năm để hoàn thành vì chưa tìm được nhà thầu chất lượng.
Khi hoàn thành, tuyến cáp sẽ cung cấp cho Meta đường truyền chuyên dụng nhằm phục vụ lưu lượng dữ liệu trên toàn thế giới. Tuyến cáp sẽ gồm 2 điểm nối chính, bao gồm một tuyến trải dài từ bờ biển phía đông của Mỹ vòng qua Nam Phi để đến Mumbai (Ấn Độ), trong khi tuyến còn lại đi từ bờ biển phía tây vòng qua Australia rồi dừng lại ở Chennai (Ấn Độ).
Santosh Janardhan, người đứng đầu bộ phận cơ sở hạ tầng toàn cầu và đồng giám đốc kỹ thuật của Meta sẽ là người giám sát thi công của siêu dự án này. Gã khổng lồ mạng xã hội cũng có các nhóm riêng biệt để xem xét và lập kế hoạch cho dự án kể trên.
Theo Techcrunch, kế hoạch đầy tham vọng của Meta nhấn mạnh cách thức đầu tư và quyền sở hữu cáp ngầm trong những năm gần đây. Giờ đây, nhiều ông lớn công nghệ mong muốn tự vận hành đường truyền dữ liệu của riêng mình, thay vì phải lệ thuộc vào tập đoàn viễn thông.