Yamana là 1 ngôn ngữ cổ bản địa có nguồn gốc từ cực nam xa xôi của Nam Mỹ và được cộng đồng người Yagan dùng để giao tiếp từ thời xa xưa. Người Yagan sinh sống trên các quần đảo ở cực nam châu Mỹ, nay thuộc Chile và Argentina, chỉ cách lục địa Nam Cực quanh năm băng giá không xa.
Cộng đồng người Yagan giao tiếp, giữ gìn và bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc mình cho đến thế kỷ 21. Tuy nhiên, với số lượng cư dân ngày càng sụt giảm, Yamana đứng trước nguy cơ thất truyền. Năm 2003, sau khi chị gái mình qua đời vào năm 2003, cụ Cristina Calderon trở thành người cuối cùng trên thế giới có thể nói được ngôn ngữ này.
Và cách đây không lâu, hôm 16/2 vừa qua, cụ Calderon cũng qua đời ở tuổi 93 vì COVID-19, đánh dấu kết thúc đầy tiếc nuối cho ngôn ngữ cổ Yamana. Để lưu giữ ngôn ngữ cho dân tộc mình, trước khi qua đời, cụ bà đã cố gắng biên soạn một quyển từ điển bằng tiếng Yamana với các bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha.

Cụ bà Calderon sống trong một ngôi nhà đơn sơ và kiếm sống bằng nghề bán tất dệt kim ở thị trấn Villa Ukika của Chile, một thị trấn do người Yagan thành lập ở ngoại ô Puerto Williams.
Bà Lidia Gonzalez, con gái của cụ Calderon xúc động nói: "Sau khi mẹ ra đi, một phần quan trọng trong ký ức văn hóa của người dân chúng tôi đã không còn nữa. Nhưng khả năng bảo tồn và hệ thống hóa hóa ngôn ngữ Yamana vẫn còn". Được biết, bà Gonzalez hiện là một chính trị gia, cũng nằm trong nhóm soạn thảo hiến pháp mới của Chile.

Hiện cộng đồng người Yagan chỉ còn số lượng rất ít ỏi khoảng vài chục người. Qua nhiều thế hệ, những người Yagan đã không còn sử dụng ngôn ngữ Yamana nữa. Trong khi đó, Yamana vốn được coi là 1 dạng ngôn ngữ tự nhiên biệt lập, tức không có mối quan hệ phả hệ hoặc “di truyền” với các ngôn ngữ khác và rất khó xác định nguồn gốc.