Trong 2 tuần gần đây, tại một số cơ sở y tế đã xảy ra sai sót khi dùng thuốc, như: nhân viên y tế đưa nhầm thuốc có tác dụng sảy thai cho sản phụ, thay vì dùng thuốc dưỡng thai; bé gái 8 tháng tuổi nguy kịch do điều dưỡng tiêm thuốc thay vì phải cho bệnh nhi uống, đã khiến nhiều người lo ngại về tai biến liên quan đến sử dụng thuốc.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thuốc là một trong những yếu tố liên quan đến an toàn người bệnh trong quá trình điều trị. Đã có các quy định để tránh nhầm lẫn khi kê đơn, cấp thuốc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu không thực hiện nghiêm các quy định thì sai sót có thể xảy ra.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Nhân Thắng, Trưởng khoa dược Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng các sai sót liên quan đến thuốc trong điều trị có thể xảy ra khi kê đơn (liều dùng không đúng tình trạng bệnh, chữ viết không rõ ràng…); khi chia thuốc, đóng gói, cấp phát; khi cho bệnh nhân dùng thuốc sai đường dùng; sai khi pha chế thuốc... Ngoài ra, sai sót còn có nguyên nhân do bệnh nhân không tuân thủ khi được kê đơn.
"Dạng thuốc, mẫu mã nhìn giống nhau, đọc giống nhau cũng dễ gây nhầm lẫn khi sử dụng. Việc dùng nhầm thuốc, sai đường dùng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: tàn phế, tử vong", tiến sĩ Thắng lưu ý.
“Để an toàn sử dụng thuốc, trong cơ sở điều trị cần sử dụng phần mềm kê đơn nhằm tránh sai sót do chữ viết tay. Các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng cần tư vấn cho người bệnh cách chủ động trong tìm hiểu và xác định đúng trước khi nhận thuốc, sử dụng thuốc; nên khuyến khích người bệnh hỏi về các thuốc điều trị và cần trả lời đầy đủ các câu hỏi của người bệnh về thuốc", tiến sĩ Thắng khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, việc nhầm lẫn trong sử dụng thuốc có thể dẫn đến hậu quả nặng nề. Tại một số quốc gia có hệ thống giám sát tốt, số trường hợp tử vong do sai sót khi sử dụng thuốc lên đến 18.000 - 44.000 trường hợp mỗi năm và có đến 50.000 - 1000.000 trường hợp bị tàn tật, tổn thương do sai sót khi sử dụng thuốc.
Do đó, tiến sĩ Thắng cho rằng, với các thuốc có mẫu mã, hình thức đóng gói giống nhau, khoa dược trong bệnh viện cần có các nhãn phụ giúp phân biệt dễ dàng hơn; đồng thời, sắp xếp các thuốc này xa nhau và có các thông báo cảnh báo về các thuốc giống nhau để tránh gây nhầm lẫn.
Theo Thanh Niên