Khi bị vi rút, vi khuẩn tấn công và xâm nhập, cơ thể trẻ thường có phản ứng sốt. Tùy theo mức độ nặng - nhẹ, cần xử trí đúng để trẻ mau hồi phục.
Dùng thuốc hạ sốt đúng liều khi trẻ có biểu hiện sốt cao - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Phân biệt tình trạng sốt
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng thông thường sốt không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Nếu sốt không làm em bé chán ăn, bứt rứt khó chịu hoặc các bất thường khác, thì có thể để trẻ hết sốt tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các bé sốt cao sẽ khó chịu, khô môi miệng... thậm chí gây co giật. “Khi trẻ bị co giật thì bố mẹ bình tĩnh đặt trẻ nằm nghiêng để nếu có đờm dãi sẽ chảy ra ngoài, không gây sặc. Chú ý để đầu cổ thẳng, sẽ không cản trở hô hấp của trẻ. Cần chờ khi hết cơn co giật thì lấy chiếc khăn mỏng đặt vào giữa hai hàm răng của trẻ, để phòng cơn co giật sau, rồi đưa trẻ đến cơ sở y tế. Trong tình huống này, không dùng ngón tay hay vật cứng để chặn giữa hai hàm răng.
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nếu sốt cao thông thường do vi rút, trẻ co giật rồi hết, không gây hại gì. Cha mẹ không tự ý cho trẻ uống thuốc chống co giật.
Dùng thuốc đúng liều
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý, khi trẻ sốt nên đo nhiệt độ ở nách để đảm bảo chính xác và cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ đo được từ 38,50C. Cần lưu ý khoảng cách dùng thuốc đúng thời gian để không quá liều. Thuốc hạ sốt hiện có hai loại là paracetamol và inbrofen. Với thuốc paracetamol uống cách nhau từ 4 - 6 tiếng đồng hồ, trong khi inbulfen là 6 - 8 tiếng.
“Một số người dùng xen kẽ hai loại thuốc này để hạ sốt nhanh hơn, nhưng chỉ nên dùng một loại thuốc hạ sốt để kiểm soát liều dùng chính xác”, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên.
Cùng với hạ sốt bằng thuốc, cha mẹ cần quan tâm bù đủ nước cho trẻ, vì sốt làm mất nước và thiếu nước cũng gây sốt. Bên cạnh đó, cho trẻ mặc đồ thoáng nhẹ, không đắp chăn kín quá. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng đặc biệt lưu ý, nếu dùng thuốc hạ sốt ở liều phù hợp nhưng trẻ vẫn sốt cao có thể do trẻ bị một số bệnh lý. Khi đó cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, tìm bệnh.
Đặc biệt, nếu sốt có kèm theo nôn vọt, cứng gáy, đau đầu hoặc li bì, tri giác lơ mơ, phồng thóp (với trẻ nhỏ) cần đưa đến cơ sở y tế để được theo dõi viêm não/màng não. Nếu sốt cao, đau mỏi cơ, đau đầu kèm theo đổ máu cam, đau bụng... cũng phải đưa đến cơ sở y tế để theo dõi sốt xuất huyết.
"Nguyên nhân gây sốt thường gặp nhất ở trẻ nhỏ là do vi khuẩn và vi rút. Phụ huynh nên đưa con tới bác sĩ với các trẻ: dưới 6 tháng tuổi; không kiểm soát được nhiệt độ (dù đã cho uống thuốc mà vẫn không hạ sốt); nghi ngờ trẻ bị mất nước do nôn, tiêu chảy (mắt trũng, khóc không nước mắt); đã được đi khám bác sĩ nhưng tình trạng không cải thiện hoặc xuất hiện các triệu chứng mới.
Nên đưa trẻ đi khám cấp cứu khi trẻ sốt kèm theo dấu hiệu: phát ban; xuất hiện thay đổi tri giác; thở nhanh, sâu, thở khó khăn; đau đầu liên tục; nôn nhiều; trẻ có bệnh mãn tính khác, đang điều trị thuốc kéo dài...
Nguồn: Bệnh viện Nhi T.Ư"
Theo Báo Thanh niên