Chao-Yang Wang, Giám đốc Trung tâm Động cơ Điện hóa thuộc Đại học Bang Pennsylvania (Hoa Kỳ), cho biết việc thường xuyên sạc pin đầy 100% có thể khiến pin điện thoại xuống cấp nhanh hơn khoảng 10–15% so với chỉ sạc đến mức 90%.

Tương tự, Phó Giáo sư Kỹ thuật Cơ khí Dibakar Datta, thuộc Viện Công nghệ New Jersey, cũng cảnh báo rằng việc tiếp tục cắm sạc sau khi pin đã đầy dễ dẫn đến tình trạng "lão hóa hóa học", làm giảm hiệu suất của pin theo thời gian.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định quá trình lão hóa này diễn ra khá chậm. “Pin thường bền bỉ hơn nhiều so với các bộ phận khác của điện thoại. Người dùng có thể phải thay máy vì những lý do khác trước khi pin thực sự hỏng,” ông Wang chia sẻ trên HuffPost.
Theo các chuyên gia, nếu người dùng cần di chuyển nhiều trong ngày hoặc sử dụng điện thoại liên tục, việc sạc đầy 100% là hợp lý. Ngược lại, nếu chỉ sử dụng điện thoại ở mức độ vừa phải, việc sạc đến khoảng 85% sẽ tối ưu hơn để bảo vệ tuổi thọ pin.
Đáng lưu ý, chuyên gia Datta khuyên người dùng không nên để pin cạn xuống 0%. Mức lý tưởng là duy trì dung lượng pin trong khoảng từ 20% đến 80%. Người dùng nên cắm sạc ngay khi pin còn khoảng 20% để hạn chế hao mòn hóa học.

Bên cạnh mức sạc, nhiệt độ môi trường cũng ảnh hưởng đáng kể đến tuổi thọ của pin. Pin điện thoại rất dễ hư hỏng nếu thường xuyên tiếp xúc với môi trường quá nóng hoặc quá lạnh. Hiện nay, nhiều dòng smartphone hiện đại đã tích hợp tính năng cảnh báo và tự động điều chỉnh tốc độ sạc nhằm bảo vệ pin trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Một lưu ý quan trọng khác là nên hạn chế sử dụng sạc nhanh liên tục. Theo ông Datta, sạc chậm sẽ tạo ít nhiệt hơn và có lợi cho tuổi thọ pin về lâu dài.
Ngoài ra, hầu hết điện thoại thông minh hiện đại đều cho phép người dùng kiểm tra tình trạng pin trong phần cài đặt. Người dùng được khuyến nghị nên cân nhắc thay pin nếu sức khỏe pin giảm dưới 80%, nhằm đảm bảo hiệu suất vận hành ổn định của thiết bị.