Nghiên cứu trên nhấn mạnh rằng mức độ ô nhiễm không khí tăng cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 đối với một số trẻ Latin. Cụ thể, các nhà nghiên cứu theo dõi 314 trẻ em gốc Latin ở độ tuổi từ 8 - 15 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì nhưng không mắc bệnh tiểu đường ở Los Angeles (Mỹ).
Khi trẻ em sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm cao trưởng thành đến 18 tuổi, các tế bào tuyến tụy sản sinh insulin trong cơ thể - được gọi là các tế bào beta - hoạt động kém hiệu quả hơn 13% so với bình thường. Insulin là một hormone giúp duy trì mức độ đường huyết ở mức thích hợp.
Người đứng đầu chương trình nghiên cứu đồng thời là đồng sáng lập Viện nghiên cứu Bệnh Béo phì và Tiểu đường trực thuộc Đại học Nam California (Mỹ), ông Michael Goran cho rằng: "Tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí trong thời thơ ấu làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em Latin và đồng thời còn có thể phát triển bệnh tiểu đường loại 2".
Ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2
Trong buổi thông cáo báo chí tại trường Đại học Nam California, ông Michael Goran tiết lộ: "Khi các tế bào beta ngừng hoạt động sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Do đó có thể thấy chất lượng không khí chính là chất xúc tác cho bệnh béo phì và bệnh tiểu đường ở trẻ em".
Mặc dù nghiên cứu này chỉ ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 nhưng nó vẫn chưa chứng minh được nguyên nhân và hệ quả. Và không có trẻ em nào ở độ tuổi nhỏ hơn phát triển bệnh tiểu đường loại 2 trong thời gian nghiên cứu.
Tác giả nghiên cứu, Giáo sư về Y học dự phòng thuộc Đại học Nam California, ông Frank Gilliland cho biết: "Bệnh tiểu đường hiện đang trở thành một đại dịch tại Mỹ và các nước phát triển".
"Sự gia tăng bệnh tiểu đường là kết quả của sự gia tăng bệnh béo phì do ít vận động và chế độ ăn uống giàu calo. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ô nhiễm không khí cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2".
Bệnh tiểu đường đã tăng gấp bốn lần ở Mỹ trong bốn thập kỷ qua, theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ. Các nhà nghiên cứu cảnh báo nếu không có gì thay đổi, 1/3 số người Mỹ có thể bị tiểu đường vào năm 2050, theo đó phải đối diện với nguy cơ mắc những biến chứng như mù, suy thận , cắt bỏ các chi hoặc chết sớm.
Như vậy, các bậc cha mẹ hiện đang sống ở các thành phố có thể làm gì để chống lại nguy cơ tiềm tàng này?
Cô Tanya Alderete, tác giả chính của nghiên cứu và là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Nam California thừa nhận chúng ta gần như không thể tránh khỏi ô nhiễm không khí.
"Ô nhiễm không khí đã trở nên phổ biến, đặc biệt ở Los Angeles. Điều quan trọng là phải xem xét các yếu tố mà bạn có thể kiểm soát. Ví dụ như nhận thức được rằng sáng sớm và chiều tối không phải là khoảng thời gian thích hợp để chạy bộ. Bạn nên thay đổi lên lịch trình để tránh tham gia vào các hoạt động gần nguồn ô nhiễm hoặc trong giờ cao điểm ", cô gợi ý.
Nghiên cứu này được công bố gần đây trên tạp chí Diabetes.
Theo Trí thức trẻ