Trong thời gian này, thời tiết thay đổi thất thường nên khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, không khí lạnh buốt trong những ngày qua cũng dễ gây nên bệnh cảm lạnh và đây cũng là thời điểm cho dịch cúm bùng phát.
Khi cơ thể nhiễm cảm lạnh hay cúm dễ khiến người bệnh kiệt sức, cơ thể suy nhược sau khi đổ bệnh.
Thông thường, để chữa cảm lạnh người ta thường xông hơi, cạo gió. Còn nếu bị cúm thì nên được điều trị bằng dược liệu và ăn uống thêm nhé.
Với cảm lạnh:
Chuẩn bị: Sắc tô tử diệp 10g, vỏ quýt 5g, cỏ gấu 10g, gừng 5g, cam thảo 5g sắc với nước
Cách làm:
- Sắc đến khi nào nước cạn còn 1 nửa thì uống cho ra mồ hôi.
- Nếu bị ho nhiều, có thể lấy 10g hạt tía tô sắc uống.
Với cảm cúm:
Chuẩn bị: Lá cây lức non 20g
Cách làm:
- Rửa sạch, sau đó đun lên lấy nước uống hoặc đun lên để xông.
- Ngoài ra, có thể lấy 2 phần lá lức nấu lên cùng 1 phần lá sả, 1 phần lá chanh rồi lấy nước uống khi còn nóng.
Bài thuốc để phục hồi cơ thể sau cảm cúm như sau:
Có thể dùng một số món ăn bài thuốc dưới đây để phục hồi cơ thể suy kiệt sau khi bị cúm.
1. Đậu đỏ 300g ngâm qua đêm, nấu cùng 1lit nước cho mềm tơi, khi ăn cho đường hoặc muối tùy sở thích.
2. Hạt sen 20g, long nhãn 20g, ô táo 5g cho vào nồi hầm chung, khi ăn cho thêm ít đường phèn.
3. Dùng thịt gà ta nấu cùng long nhãn, tần quy, kỷ tử chưng cách thủy đến chín mềm, ăn khi nóng và dùng liên tục khoảng 4 - 5 ngày.
4. Thịt lợn băm nhuyễn hoặc sườn lợn 500g, củ cải trắng 500g, ô táo 200g, hành 1 củ, gừng 5 lát nấu thành canh ăn nóng.
5. Tam thất 400g dạng củ, hấp cho mềm, thái mỏng rồi hầm với thịt gà ăn hàng ngày, dùng liên tục từ 7 - 10 ngày.
6. Ngoài ra, có thể dùng lươn nấu cháo, khi nấu làm sạch lươn, bỏ ruột, hầm chín cùng cháo, dùng khi còn nóng.
Khải Nguyên(t/h)