1. Gián
Trông bề ngoài nhỏ bé, có vẻ dễ bị “đăng xuất khỏi Trái Đất” nhưng thực tế loài gián lại có khá nhiều cơ hội sống sót. Gián đã tồn tại khoảng hơn 350 triệu năm, tức là bản thân loài này đã kinh qua vài vụ tuyệt chủng hàng loạt trên Trái Đất. Lý do là gián có thể tái sinh hầu hết các bộ phận trên cơ thể. Ngoài ra, gián còn có khả năng nín thở trong 40 phút, một kỷ lục mà khó có loài nào bì được. Đồng thời, não của gián phân bố khắp mọi nơi, nó chỉ dùng đầu vào việc… uống nước! Loài này lại có thể không uống nước trong vài tuần. Do đó, kể cả khi mất đầu, nó cũng sống được thêm một thời gian khá dài đấy.
2. Cá Mummichog
Đây là một loài cá nhỏ được tìm thấy dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của Hoa Kỳ và Canada. Cá Mummichog có chiều dài thân khoảng 15 cm. Không như phần lớn các đồng loại khác, cá Mummichog có thể sống ở rất nhiều môi trường nước khác nhau: nóng hay lạnh, mặn hay ngọt, sạch sẽ hay ô nhiễm… Trong điều kiện thiếu dưỡng khí, chúng vẫn có thể thở trên mặt nước hoặc biến đổi máu của mình để tăng cường khả năng trao đổi khí. Chúng thậm chí còn có thể sống sót trong môi trường không trọng lượng.
Khả năng thích ứng tuyệt vời này là do cá Mummichog có thể “bật” hoặc “tắt” một số lượng gen lớn tùy theo môi trường của nó. Ví dụ như khi đi từ vùng nước mặn vào nước ngọt, nó sẽ điều chỉnh tới 498 gen để thích ứng với môi trường mới. Một nghiên cứu còn chỉ ra rằng, Mummichog đã điều chỉnh tới 20% lượng gen trên cơ thể để đối phó với vùng nước bị ô nhiễm.
3. Lingila
Lingula (tiếng Việt gọi là giá biển, giẻ áo…) hoàn toàn xứng đáng khi được xếp vào hàng “khó tuyệt chủng nhất”, vì đã sống sót qua cả 5 vụ tuyệt chủng hàng loạt từng xảy ra trên Trái Đất (vụ đầu tiên cách đây 439 triệu năm, tàn sát khoảng 60% loài sinh vật biển).
Lingula là một loài động vật biển thuộc ngành tay cuộn với hình dáng giống như con nghêu. Bí quyết trường tồn của loài vật này có lẽ nằm ở khả năng đào bới nhờ thân và cái lưỡi dài. Lingula trong tiếng la tinh có nghĩa là “lưỡi nhỏ”.
4. Gấu nước
Tardigrade còn được gọi là “gấu nước” do hình dạng của nó khi nhìn qua kính hiển vi. Gấu nước có kích thước chỉ khoảng 1,5 mm hoặc nhỏ hơn. Chúng có thể sống sót ở nhiệt độ -273 độ C cho đến… 151 độ C và tồn tại được ở tất cả những điều kiện khắc nghiệt như: áp suất cực cao, bức xạ, chân không hay thiếu nước. Gấu nước cực kỳ dẻo dai và di chuyển khắp nơi theo những cơn gió.
Bạn có thể nhìn thấy Tardigrade dưới kính hiển vi bằng cách quan sát một ít rêu nước bởi loài này rất thích ăn rêu.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Cún bông chăm học. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi đồng. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |