Sau nhiều ngày mưa lớn, nước lũ khiến nhiều tỉnh miền Trung bị ngập nặng hiện đang rút dần. Nhiều nhà cửa bị ngập sâu dưới làn nước lũ, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt họ phải đối mặt với nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sau mưa bão.
Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số sinh vật từ bụi, đất, rác thải… hòa vào dòng nước làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Hơn thế nữa, tình trạng ngập úng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở và gây bệnh cho con người.
Mưa lũ mang theo nhiều vi khuẩn từ môi trường sống khiến nhiều bệnh truyền nhiễm dễ lây lan và bùng phát thành dịch.
Bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột
Bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột lây truyền qua nước sẽ bùng phát đầu tiên, bao gồm E.coli, tả, lỵ, thương hàn. Ngoài ra còn có bệnh tay chân miệng, rota virus, giun sán cũng sẽ có cơ hội lây lan nhanh hơn.
Đáng sợ nhất là bệnh tiêu chảy cấp bởi lỵ trực khuẩn, vi khuẩn do thương hàn, đặc biệt là tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả. Nếu không phát hiện sớm, có biện pháp chữa trị kịp thời, những loại bệnh này sẽ có nguy cơ lây lan thành dịch.
Bệnh viêm đường hô hấp
Mưa lũ ngập nhà, độ ẩm gia tăng khiến người dân dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm họng, sổ mũi, sốt…
Bệnh da liễu
Môi trường ẩm mốc, chân phải di chuyển trong nước lũ nhiều ngày, không có nước sạch sử dụng còn khiến cho căn bệnh nấm kẽ chân, nấm móng, viêm da, mẩn ngứa hoành hành.
Mưa lũ mang theo nhiều vi khuẩn từ môi trường sống khiến nhiều bệnh truyền nhiễm dễ lây lan và bùng phát thành dịch
Đau mắt
Nguồn nước sạch bị ô nhiễm bởi nước lũ còn khiến phát sinh bệnh đau mắt đỏ viêm bờ mi, viêm tuyến lệ…
Bệnh sốt xuất huyết
Sau mưa lũ, nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm, môi trường mất vệ sinh là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển khiến các bệnh sốt xuất huyết, sốt virus và sốt rét dễ bùng phát trên diện rộng.
Bệnh sốt vàng da
Đây là căn bệnh do vi khuẩn Leptospira có trong nước tiểu của chuột mang mầm bệnh gây ra. Mưa lũ khiến mầm bệnh mang vi khuẩn này khắp nơi theo dòng nước. Nếu người dân ngâm mình, tay, chân lâu trong nước thì vi khuẩn này rất dễ xâm nhập qua da, niêm mạc để vào trong cơ thể gây bệnh.
Nhằm phòng tránh nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sau mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:
- Sau khi nước lũ rút, thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và khử trùng theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm sau những ngày mưa lũ.
- Thu gom, xử lý, chôn lấp xác động vật, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Nên mặc quần áo dài tay, ngủ màn để phòng bệnh sốt xuất huyết, sốt rét.
Theo tamsugiadinh/tuoitrethudo