Theo bác sĩ Tiến tính toán, trong một chiếc bánh trung thu nướng đậu xanh một trứng trọng lượng 176 g chứa 19,5g protid (đạm), 27,5g lipid (béo), 80,6g glucid (đường). Lượng bột đường có trong một chiếc bánh dẻo hay nướng bằng lượng có trong 2-3 chén cơm (trung bình một chén cơm 258 g). Đường trong bánh trung thu chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh nên rất dễ gây tăng đường huyết.
Bánh Trung thu chứa nhiều đường và chất béo, ăn nhiều không tốt với người tiểu đường, cao huyết áp. Ảnh: Khánh Huyền.
Với hàm lượng đạm béo đường này, nếu bạn chỉ ăn một nửa chiếc bánh dẻo hay bánh trung thu nướng thì trong ngày phải bớt ăn khoảng một bát cơm cùng với lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để thải chất béo ra ngoài và ngăn ngừa đường huyết tăng nhanh. Nếu bạn không giảm cơm sau khi ăn bánh trung thu thì cần đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng thừa.
Cũng theo bác sĩ Tiến, lượng chất béo trong chiếc bánh trung thu gấp 1-2 lần lượng chất béo trong một bát phở bò. Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt thì dễ bị ôi, mốc gây ngộ độc.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ảnh: Khánh Huyền.
Năng lượng từ đường và chất béo trong bánh trung thu, với những người bình thường, nhẹ cân thì không sao, song với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng thì là một mối nguy cơ lớn tới sức khỏe. Những người tiểu đường, cao huyết áp có thể ăn bánh trung thu cùng với trà để tiêu hóa tốt hơn và hạn chế chất béo tích tụ trong cơ thể. Tuy nhiên chỉ nên ăn với phần bánh rất nhỏ hoặc nếu được thì không ăn.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều mẫu mã và chủng loại bánh Trung thu, người dùng nên chọn các sản phẩm nguồn gốc rõ ràng, ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng, bánh không bị biến dạng hay màu sắc lạ.
Theo Vnexpress.net