Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế, sáng 9/3, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết: "TP.HCM hiện có mặt cả hai chủng Omicron và BA.2 chiếm ưu thế, điều này giải thích được tại sao dịch lây lan rất nhanh".
Còn tại báo cáo mới đây của Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể phụ BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron.
Kể từ khi xuất hiện, Omicron đã sinh ra 4 biến thể dòng phụ gồm BA.1, BA.2, BA.1.1.529 và BA.3. Tất cả chúng đều có sự tương đồng về mặt di truyền, nhưng mỗi loại đều có các đột biến có thể thay đổi cách chúng hoạt động. Trong đó, chủng BA.2 được gọi là chủng tàng hình vì không chứa đột biến đặc trưng của Omicron, được cho là có khả năng lẩn tránh test nhanh và có thể phát hiện bằng xét nghiệm PCR. Ngoài việc khó phát hiện hơn BA.1, BA.2 được cho có thể dễ lây lan hơn chủng "họ hàng".
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 5/3, Bộ Y tế cho hay, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng nhanh, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh và đang dần thay thế chủng Delta.
"Biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%", lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.
Cũng theo các nghiên cứu trên thế giới, BA.2 không gây triệu chứng nghiêm trọng hơn chủng Omicron gốc BA.1, song lây truyền nhanh hơn. BA.2 khác với BA.1 ở trình tự di truyền, có sự thay đổi về axit amin trong protein gai và các protein khác. Nghiên cứu cho thấy BA.2 có lợi thế tăng trưởng hơn BA.1. Các nhà khoa học đã ghi nhận một số ca tái nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1, tức là mắc Omicron hai lần, tuy nhiên miễn dịch tự nhiên từ BA.1 đủ mạnh mẽ chống BA.2.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy BA.2 có thể tự sao chép trong tế bào nhanh hơn BA.1. Nó cũng trội hơn trong việc làm cho các tế bào dính lại với nhau. Điều này cho phép virus tạo ra các khối tế bào lớn hơn, được gọi là hợp bào, so với BA.1. Điều đó đáng lo ngại vì những khối này sau đó trở thành "nhà máy" để tạo ra nhiều bản sao của virus hơn. Delta có khả năng tạo ra hợp bào khá hiệu quả và các chuyên gia cho rằng đó là một lý do khiến nó tàn phá phổi nghiêm trọng như vậy.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định vaccine vẫn có khả năng bảo vệ cơ thể khi nhiễm biến chủng BA.2 nhưng không đủ sức để giúp cơ thể không bị lây nhiễm. Do vậy, giới chuyên gia khuyến cáo vaccine vẫn là "vũ khí" hiệu quả nhất để ngăn chặn rủi ro bệnh nặng và tử vong.