Nội dung chính
- Không phải tất cả các biểu hiện lâm sàng sau khi khỏi Covid thì đều là biểu hiện của triệu chứng hậu covid-19.
- Không có bất kỳ loại thuốc nào có thể điều trị đặc hiệu hậu Covid và điều trị bệnh Covid-19. Các loại thuốc xanh đỏ của Nga hoàn toàn không có tác dụng.
- Vitamin không giúp điều trị cũng như không giúp gì cho bệnh nhân hồi phục bệnh Covid-19 nhanh hơn trong tương lai.
- Ta hoàn toàn có thể tiếp xúc, thăm hỏi, gặp gỡ F0 với 2 điều kiện quan trọng là đeo khẩu trang và vệ sinh bàn tay. Ngoài ra nên cho bệnh nhân ở phòng rộng, thoáng khí.
- F0 cách ly đủ 10 ngày và vẫn đeo khẩu trang là an toàn khi tiếp xúc.
- Mỗi người chỉ cần test hai lần là đủ: lần 1 khi khởi phát triệu chứng, lần 2 vào ngày thứ 7.
- Tắm gội không làm bệnh Covid nặng lên.
F0 tắm sẽ bị trở nặng; thuốc Nga có thể điều trị Covid; Covid không đáng lo, hậu Covid mới đáng lo; vitamin C giúp tăng cường đề kháng… Đó là những thông tin phủ sóng MXH nhiều tháng qua với những luồng tranh cãi gồm hai phe phản bác, bảo vệ đều mạnh mẽ như nhau.
Đâu là sự thật trong những truyền thuyết trên MXH về Covid-19? PV Thiếu niên Tiền phong điện tử đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Vũ Quốc Đạt - Giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - để giải đáp những thắc mắc nói trên.
Không phải tất cả các biểu hiện lâm sàng sau khi khỏi Covid thì đều là biểu hiện của triệu chứng hậu covid-19.
Thưa bác sĩ, một trong những khái niệm được nhắc đến nhiều nhất hiện nay trên truyền thông, bao gồm cả MXH, là hội chứng hậu Covid. Rất nhiều người chia sẻ về việc họ bị mắc hội chứng này và khiến nỗi sợ hậu Covid còn mạnh hơn cả nỗi sợ Covid. Vậy hậu Covid là gì, thưa ông?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Hậu Covid-19 là thuật ngữ được WHO đưa ra nhằm giúp nhà khoa học có thể tìm hiểu thêm về những biểu hiện cũng như những bệnh lý do Covid-19 về lâu dài khi mà chúng ta chưa có những thông tin về tình trạng này. Đến thời điểm hiện nay, hậu Covid được hiểu là các triệu chứng có thể xảy ra ở một người mắc Covid-19 với hai biểu hiện quan trọng sau:
Thứ nhất, đó là các triệu chứng thường xuất hiện sau khi bệnh nhân khỏi bệnh khoảng tầm 3 tháng.
Thứ hai là triệu chứng đó kéo dài từ 2 tháng trở lên.
Cũng cần hiểu rằng, việc xác định tình trạng khỏi bệnh COVID không đơn thuần là xét nghiệm âm tính. Vì xét nghiệm âm tính chỉ là một chỉ điểm cho thấy người đó sạch virus mà thôi. Tuy nhiên sau khi sạch virus, họ vẫn có thể có các triệu chứng của bệnh kéo dài từ khi họ mắc bệnh. Nên không phải tất cả các trường hợp hoặc các biểu hiện lâm sàng sau khi xét nghiệm COVID âm tính thì đều là biểu hiện của triệu chứng hậu covid-19.
Vậy sau khi âm tính với virus SARs-CoV-2 bao lâu thì người từng mắc Covid nên đi kiểm tra y tế để biết mình có bị hậu Covid hay không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Đối với hội chứng hậu Covid như định nghĩa của WHO, người từng mắc Covid chỉ nên đi khám khi có hai yếu tố: thứ nhất là các triệu chứng đó kéo dài, không hồi phục hoàn toàn, ít nhất từ 1 - 2 tháng sau khi bệnh nhân khỏi Covid; thứ hai là các triệu chứng có ảnh hưởng nghiêm trọng, đáng kể đến sinh hoạt, ảnh hưởng chức năng sinh lý thông thường như về các biểu hiện tim mạch, hô hấp, hay ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu hoặc các triệu chứng về tâm thần khác.
Thường đối với các bệnh lý nhiễm trùng quen thuộc mà ta đều đã biết lâu nay, ví dụ như cúm hay sốt xuất huyết, sau khi khỏi bệnh, người bệnh vẫn nằm ở một giai đoạn gọi là giai đoạn hồi phục để cơ thể thích nghi trở lại trạng thái bình thường. Trong giai đoạn này, các triệu chứng lâm sàng có thể tiếp tục biểu hiện. Và Covid cũng vậy, người bệnh chỉ cần trợ giúp về mặt y tế cũng như các bác sĩ chỉ điều trị khi các triệu chứng này không hồi phục hoặc không biến mất hoàn toàn.
Không có bất kỳ loại thuốc nào có thể điều trị đặc hiệu hậu Covid và điều trị bệnh Covid-19. Các loại thuốc xanh đỏ của Nga hoàn toàn không có tác dụng.
Hiện tại trên MXH lan truyền loại thuốc được quảng bá là xách tay từ Nga, có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị hậu Covid, sử dụng sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính trở lại. Sự thực có loại thuốc nào giúp điều trị hậu Covid hay không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Hiện nay các thuốc trên thị trường sẵn có như Arbidol của Nga, hay những vỉ thuốc xanh thuốc đỏ… được xách tay đều không được WHO khuyến cáo để điều trị đặc hiệu cho COVID-19. Những thuốc đó hoàn toàn không có tác dụng.
Vitamin không giúp điều trị cũng như không giúp gì cho bệnh nhân hồi phục bệnh Covid-19 nhanh hơn trong tương lai.
Thưa bác sĩ, đơn thuốc chăm sóc F0 tại nhà hiện nay cũng khá nhiễu loạn. Nhiều người chia sẻ lên MXH những đơn thuốc rất dài với rất nhiều loại thuốc bổ, kháng sinh, kháng virus… khác nhau. Vậy thế nào là một đơn thuốc đúng và chăm sóc F0 tại nhà như thế nào là đúng, thưa ông?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Với các trường hợp được xác định mắc Covid-19 và được điều trị, chăm sóc tại nhà, việc chăm sóc họ không khác gì so với chăm sóc người đang bị ốm, đang sốt do các căn nguyên khác gây nên. Vì mục đích chăm sóc, theo dõi là kịp thời phát hiện các dấu hiệu nặng để đưa bệnh nhân tới bệnh viện 1 cách nhanh nhất.
Nên nếu mắc Covid-19 mà bệnh nhân không có dấu hiệu nặng phải đi viện thì chỉ cần tuân thủ theo các hướng dẫn thông thường như dùng thuốc hạ sốt, chế độ ăn uống đa dạng, tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Hầu hết các thuốc dùng cho chăm sóc bệnh nhân Covid tại nhà thuộc nhóm thuốc không cần kê đơn. Ví dụ như nhóm thuốc paracetamol giúp hạ sốt, thuốc chống dị ứng, thuốc giảm ho long đờm... Những thuốc đó không cần kê đơn nên người dân hoàn toàn có thể tự mua về và sử dụng theo đúng hướng dẫn sử dụng.
Nhóm thuốc điều trị tại nhà nhưng cần đơn của bác sĩ là thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh, thuốc corticoid hay thuốc đông máu.. Khi dùng những thuốc này không đúng chỉ định, bệnh nhân sẽ gặp phải phản ứng phụ và hậu quả của những phản ứng này lớn hơn so với lợi ích mà nó mang lại.
Đối với việc bổ sung vitamin, hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy điều này sẽ đem lại lợi ích trong việc chữa Covid vì đa phần lượng vitamin cần thiết cho cơ thể hoạt động bình thường không nhiều nên chúng ta đều có thể hấp thu đủ nhờ chế độ ăn cân bằng. Tuy nhiên, việc sử dụng những thuốc đó có thể giúp cho tâm lý bệnh nhân thoải mái hơn, khiến họ tin rằng họ sẽ khỏe hơn để vượt qua bệnh. Nhưng về mặt khoa học, dù một số bệnh nhân có thể thiếu hụt một số vitamin tạm thời trong giai đoạn bị bệnh nhưng dùng vitamin không thực sự có hiệu quả cao trong điều trị cũng như không giúp gì cho bệnh nhân hồi phục bệnh nhanh hơn trong tương lai.
Liên quan tới việc theo dõi dấu hiệu chuyển nặng của F0 tại nhà, rất nhiều gia đình tìm mua máy đo SpO2. Nếu không có điều kiện mua máy này, có cách nào để nhận biết được dấu hiệu chuyển nặng hay không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: SpO2 là chỉ số đo nồng độ bão hòa trong máu. Nếu có tổn thương phổi, máy đo SpO2 giúp phát hiện sớm và nhanh hiện tượng bệnh nhân trở nặng để can thiệp kịp thời. Tuy nhiên nếu không có máy đo SpO2 thì dấu hiệu bệnh trở nặng cũng rất dễ được phát hiện.
Thứ nhất là bệnh nhân cảm thấy khó thở;
Thứ hai là bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau ngực hoặc tức nặng ngực;
Thứ ba là bệnh nhân có biểu hiện rối loạn ý thức như ngủ gà, lơ mơ, xuất hiện tình trạng khó đánh thức…
Đây đều là những dấu hiệu trở nặng mà bệnh nhân cần được đánh giá y tế kịp thời.
Đối với trẻ em, biểu hiện trở nặng cũng rất dễ phát hiện, đó là trẻ bỏ ăn bỏ bú, nôn trớ nhiều…
Ta hoàn toàn có thể tiếp xúc, thăm hỏi, gặp gỡ F0 với 2 điều kiện quan trọng là đeo khẩu trang và vệ sinh bàn tay. Ngoài ra nên cho bệnh nhân ở phòng rộng, thoáng khí.
Việc theo dõi dấu hiệu trở nặng của F0 đòi hỏi người chăm sóc phải túc trực bên cạnh. Điều này có mâu thuẫn với nguyên tắc cách ly người bệnh và người lành hay không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Bản chất cách ly là giữ khoảng cách giữa người bệnh và người không bệnh, khi đó cả hai bên đều nên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách nhất định. Trong cùng 1 hộ gia đình, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp xúc, thăm hỏi, gặp gỡ F0 với 2 điều kiện quan trọng là: 1 - Đeo khẩu trang: người chăm sóc đeo khẩu trang và người bệnh đeo khẩu trang hoàn toàn có thể phòng việc lây nhiễm qua giọt bắn khi tiếp xúc ở khoảng cách gần; 2 - Vệ sinh bàn tay: khi tiếp xúc trực tiếp bằng tay trần hoặc cầm nắm với đồ vật của bệnh nhân sử dụng, ta cần vệ sinh bàn tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh là có thể hạn chế nguy cơ lây nhiễm từ 80 - 90% rồi.
Ta hoàn toàn có thể tiếp xúc, thăm hỏi, gặp gỡ F0 với 2 điều kiện quan trọng là đeo khẩu trang và vệ sinh bàn tay. Ngoài ra nên cho bệnh nhân ở phòng rộng, thoáng khí.Ngoài ra, với chất thải, vật dụng mà người bệnh ho, lau mũi, hắt hơi… cần bỏ riêng, hạn chế tiếp xúc, cho vào túi trong thùng có nắp đậy để bỏ đi.
Cuối cùng là để bệnh nhân ở phòng thoáng khí để hòa loãng virus trong không khí quanh bệnh nhân. Với thời tiết lạnh ở miền Bắc hiện nay thì việc mở cửa không phù hợp nhưng chúng ta nên cho bệnh nhân ở phòng rộng, và mở cửa khi không có người để không khí được luân chuyển.
Tất cả các biện pháp trên kết hợp lại sẽ giúp giảm đi nhiều hơn nữa nguy cơ lây nhiễm khi F0 cách ly tại nhà.
Trong trường hợp cả nhà là F0, mọi người có cần thiết phải đeo khẩu trang nữa hay không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Về lý thuyết, việc đeo khẩu trang là có ích, nhưng có ích ở khía cạnh mỗi người nhiễm một nguồn khác nhau, ở thời điểm khác nhau và việc đeo khẩu trang sẽ giúp hạn chế việc mắc thêm các chủng virus khác hoặc hạn chế việc lây nhiễm chéo nếu có người có bệnh đồng mắc khác, ví như vừa mắc virus SARs-CoV-2 vừa mắc virus cúm. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang cũng làm giảm nồng độ virus trong khoảng không trong nhà.
Tuy nhiên, việc cả nhà là F0 cùng đeo khẩu trang ít có giá trị nếu mọi người đều cùng một nguồn lây, hoặc thời gian nhiễm tương đối gần nhau, hoặc sống trong không gian rộng.
F0 cách ly đủ 10 ngày và vẫn đeo khẩu trang là an toàn khi tiếp xúc.
Hiện theo quy định của Bộ Y tế, F0 cách ly đủ 7 ngày và có kết quả test nhanh âm tính có thể được dừng cách ly. Tuy nhiên, cảm tính của người dân cho rằng 7 ngày là không đủ. Câu hỏi đặt ra là, F0 âm tính sau bao nhiêu ngày thì sẽ an toàn, không còn nguy cơ lây bệnh?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Về lý thuyết, bệnh nhân sau 7 ngày cách ly và test nhanh âm tính vẫn còn nguy cơ rất nhỏ phát tán virus ra môi trường nên vẫn có nguy cơ lây cho người khác. Tuy nhiên nồng độ virus lúc này nếu có thường là rất thấp nên nguy cơ lây lan cho người khác là rất nhỏ. Do đó chỉ cần F0 đã khỏi nhưng tiếp tục đeo khẩu trang thì khả năng lây nhiễm được giảm xuống tối thiểu.
F0 cách ly đủ 10 ngày và vẫn đeo khẩu trang là an toàn khi tiếp xúc.Hơn nữa hiện chúng ta xác định chiến lược là không thể đưa Covid-19 về 0 - nghĩa là không thể loại bỏ hoàn toàn Covid ra khỏi cuộc sống mà chỉ có thể làm giảm số lượng ca mắc trong cộng đồng để hệ thống y tế đủ khả năng điều trị cho người cần thiết thì việc áp dụng các biện pháp 5K là đủ để đảm bảo giảm lây nhiễm.
Do đó thời gian cách ly F0 từ 7-10 ngày là khoảng thời gian tương đối tốt và khả năng lây nhiễm đã giảm tới 99%. So với Bộ Y tế, WHO khuyến cáo thời gian cách ly dài hơn chút là 10 ngày đối với F0 từ khi khởi phát triệu chứng. Vì thời gian cách ly càng dài thì nguy cơ lây nhiễm sẽ càng thấp, và vấn đề là chúng ta chấp nhận mức độ nguy cơ thấp ở mức bao nhiêu.
Mỗi người chỉ cần test hai lần là đủ: lần 1 khi khởi phát triệu chứng, lần 2 vào ngày thứ 7.
Thời gian qua, giá kit test nhanh tại Hà Nội tăng rất mạnh do nhu cầu tích trữ và thói quen test liên tục của người dân. Xin bác sĩ chỉ dẫn về tần suất test nhanh để đảm bảo an toàn và hiệu quả!
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Test nhanh chỉ dùng để đoán bệnh, khẳng định bệnh khi có triệu chứng và để xác định tiêu chuẩn khỏi bệnh. Như vậy, về cơ bản, một người chỉ nên xét nghiệm hai lần: lần thứ nhất là khi có biểu hiện bệnh để xác định bệnh và đưa ra quyết định cách ly; lần thứ hai là vào ngày thứ 7 để xác định khỏi bệnh. Nếu vẫn dương tính, có thể làm thêm một xét nghiệm nữa vào ngày thứ 10 sau khi hết hạn cách ly. Song lần thứ ba về bản chất là không thực sự cần thiết vì nguy cơ lây bệnh đã giảm xuống tối thiểu như vừa phân tích.
Trong trường hợp có đầy đủ các triệu chứng mắc Covid-19 nhưng test nhanh vẫn âm tính thì có cần test liên tiếp các ngày sau đó cho đến khi nào lên hai vạch hay không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Điều này là không cần thiết. Test nhanh giúp chẩn đoán bệnh và quyết định có cách ly không nhằm ngừa lây nhiễm. Do đó nếu ta có triệu chứng rõ, có yếu tố dịch tễ và xác định nguồn lây thì cần xem mình là một F0, cách ly và tự chăm sóc tại nhà trong thời gian từ 7 - 10 ngày như khuyến cáo. Trong y khoa gọi đây là ca bệnh có thể. Khi đã đảm bảo cách ly như vậy, việc test là không bắt buộc.
Tắm gội không làm bệnh Covid nặng lên.
Hiện nhiều người truyền miệng rằng, khi mắc Covid-19, việc tắm gội sẽ khiến bệnh trở nặng. Việc kiêng nước kiêng gió như truyền thống đối với người mắc Covid-19 có cần thiết hay không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Thực tế việc khuyên không nên tắm gội khi mắc bệnh đã được truyền miệng trong dân gian từ rất lâu rồi, không chỉ với Covid mà còn với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác như sởi, quai bị, thủy đậu… Ngày xưa, việc kiêng kị này có thể đúng do nguồn nước không sạch như nước ao hồ, sông suối khiến bệnh nhân tăng nguy cơ bội nhiễm, hay không gian nhà tắm, nhà ở có nhiều gió lùa, không đủ ấm…
Tuy nhiên ngày nay thì việc kiêng cữ không còn phù hợp trong điều kiện nước sạch và nhà kín gió. Người mắc Covid vẫn có thể tắm gội một cách bình thường, không có lý do gì ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của họ cả.
Tắm gội không làm bệnh Covid nặng lên.Nếu có trường hợp tắm gội xong bệnh trở nặng thì đó chỉ là sự trùng hợp và diễn tả sai. Giống như việc, mỗi ngày chúng ta đều có người tử vong do bệnh tim mạch, tai nạn… và có đến 99% những người này trước đó có ăn cơm. Nhưng không thể nói là vì ăn cơm mà bị như vậy. Tương tự, trong số những người nhiễm sẽ có 1 vài người bị chuyển nặng, nhưng số còn lại vẫn khỏe mạnh nên không thể kết luận do tắm.
Cũng tương tự như vậy là câu chuyện của xông hơi chữa Covid-19, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Hiện không có bằng chứng khoa học nào cho thấy xông hơi sẽ giúp giảm triệu chứng của bệnh. Với nhiều người, họ thấy rằng xông hơi làm họ dễ chịu hơn và ít nhiều có tác dụng ổn định về mặt tâm lý.
Tuy vậy, việc xông hơi cần phải thận trọng vì khi xông thường dùng nồi nước sôi, thêm tinh dầu, có thể gây bỏng hoặc gây kích ứng với các thành phần trong tinh dầu đối với những người dễ bị kích ứng, nhất là đối với trẻ em.
Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này!
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt hiện là giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội; Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO.