Cách phát triển văn hóa đọc cho trẻ em trong kỷ nguyên số

Ngọc Nguyễn
CNA đã dẫn nhận định của các chuyên gia Viện giáo dục quốc gia Singapore cho rằng kỹ năng đọc sâu và đọc trên nền tảng số đều giúp ích cho trẻ em trong thời đại kết nối ngày nay.

Thời gian cuối năm đang đến gần và khoảng thời gian nghỉ học là cơ hội để nhiều trẻ em theo đuổi sở thích của mình. Có thể các bạn nhỏ sẽ dành nhiều thời gian hơn với các thiết bị số, lướt mạng xã hội và chơi trò chơi điện tử. Lúc này các bậc phụ huynh đều đặt ra câu hỏi rằng thay vào đó, con mình có nên đọc sách không.

Dường như thời đại đọc sâu, nghiền ngẫm những văn bản in dài và dày đã qua. Nhà báo Simon Kuper của tờ Financial Times vào tháng 10 đưa ra bình luận rằng truyền thông kỹ thuật số đã thay đổi cách đọc. Theo ông Simon, mặc dù người đọc có thể thu thập thông tin nhanh hơn và nhiều từ các nguồn trực tuyến, nhưng họ cũng tiếp thu nhiều thông tin sai lệch hơn và ít sắc thái hơn. Tuy nhiên, việc đọc sâu, đọc kỹ và đọc nhanh trên các nền tảng số có thể cùng tồn tại và đều cần phải có trong thế giới ngày nay.

Việc phát triển cho trẻ cả hai kỹ năng đọc sâu và đọc lướt, phát hiện thông tin đều cần thiết trong thời đại hiện nay.
Việc phát triển cho trẻ cả hai kỹ năng đọc sâu và đọc lướt, phát hiện thông tin đều cần thiết trong thời đại hiện nay

Hai kỹ năng bổ trợ cần thiết

Đọc sâu liên quan đến việc xử lý chuyên sâu và tương tác chặt chẽ với văn bản, thường là đối với các văn bản in như sách, tiểu thuyết. Như Giáo sư Maryanne Wolf của Đại học UCLA từng kết luận, việc đọc sâu phát triển tư duy phản biện và sự đồng cảm.

Ngược lại, các văn bản kỹ thuật số, chẳng hạn các trang web và truyền thông xã hội, giúp người dùng phát triển các kỹ năng đọc lướt và tìm kiếm từ khóa, từ đó để họ có thể nhanh chóng xác định thông tin quan trọng giữa một lượng dữ liệu lớn và lộn xộn.

Cả hai loại kỹ năng đọc này đều là cần thiết cho trẻ trong kỷ nguyên số, và trong một số trường hợp, sách điện tử có thể mang lại lợi thế hơn sách in.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí tâm lý trẻ em thực nghiệm, các nhà nghiên cứu từ Singapore và Na Uy phát hiện ra rằng trẻ em xem sách điện tử có hình học từ vựng tốt hơn trẻ em trong nhóm đọc sách in. Cụ thể, các hình ảnh sinh động có thể định hướng trẻ em tập trung vào các chi tiết câu chuyện, cải thiện cả khả năng đọc hiểu và trí nhớ của các bạn về cốt truyện.

Tận dụng công nghệ để phát triển khả năng đọc sâu

Trong dự án nghiên cứu đổi mới của Quỹ Temasek, các nhà nghiên cứu Singapore nhận thấy trẻ em đang dành nhiều thời gian hơn cho các thiết bị điện tử từ sau đại dịch Covid-19. So với thời kỳ trước đại dịch, số bạn dành hơn 1 giờ mỗi ngày để đọc tài liệu tiếng Anh trên thiết bị kỹ thuật số sau đại dịch đã tăng thêm 18,5%. Đồng thời, các bậc cha mẹ cũng ngày càng dễ chấp nhận việc con của mình sử dụng thiết bị không chỉ cho mục đích học tập và giao tiếp mà còn cho mục đích giải trí.

Trên thực tế, thời gian sử dụng thiết bị điện tử dài hơn đối với trẻ em không hề tiêu cực như một số người vẫn nghĩ. Theo kết luận của Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), nội dung số mang tính giáo dục và phù hợp với lứa tuổi có thể thu hẹp khoảng cách về thành tích học tập giữa những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, vẫn cần phải kiểm soát và điều tiết thời gian sử dụng thiết bị số đối với trẻ em.

Đồng thời, cũng cần lưu ý về nguy cơ mất tập trung khi sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng để đọc sách vì có nhiều ứng dụng khác trên các thiết bị này. Hiện tại, đã có nhiều loại máy đọc sách điện tử được thiết kế để tối ưu hóa cho việc đọc các văn bản dài. Hiện nay chúng cũng tương đối rẻ và có thể được học sinh, sinh viên sử dụng để đọc và nghiên cứu sâu.

Đối với các bạn nhỏ, cách khuyến khích việc đọc sâu bao gồm đọc to cho các bạn nghe, dành thời gian đọc cùng với các bạn. Dành thời gian để đọc sách cùng nhau, cũng giống việc dành thời gian để đi du ngoạn và vui chơi, là điều quan trọng để nuôi dưỡng thói quen đọc sách và sự gắn bó với sách. Một yếu tố quan trọng nữa là người lớn phải tham gia trò chuyện với trẻ em về cuốn sách đó để nâng cao hiểu biết và sự thích thú của các bạn đối với nội dung bên trong.

Những thói quen này sẽ giúp thế hệ mới phát triển “bộ não song ngữ” - thành công sở hữu cả khả năng đọc sâu và đọc lướt trên nền tảng kỹ thuật số. Thay vì đặt 2 khả năng này ở vị thế đối lập nhau, các bậc phụ huynh cần chủ động trau dồi những khả năng đọc viết này cho con mình, song song với thời đại đang phát triển.

(Theo Vietnamnet)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cách phát triển văn hóa đọc cho trẻ em trong kỷ nguyên số tại chuyên mục Cách Học Hay của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Cách Học Hay khác

Chuỗi hoạt động giáo dục kỹ năng đầu năm học mới

Ngay những ngày đầu năm học mới, nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã tổ chức tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục học sinh về pháp luật ATGT, các kỹ năng phòng chống cháy nổ, thương tích, phòng chống đuối nước.

Khai mạc Vòng chung kết Festival tiếng Anh toàn quốc

Sáng ngày 16/8, tại Đại học Hàng hải Việt Nam (TP. Hải Phòng), báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng đã tổ chức Lễ khai mạc Vòng chung kết Festival tiếng Anh toàn quốc với sự góp mặt 272 gương mặt thí sinh ưu tú.