Gần đây, trào lưu "bắt pen" rộ lên trên mạng xã hội, khi xuất hiện nhiều video đăng tải thu hút hàng triệu lượt xem. Trong các video cho thấy, "bắt pen" không phải là môn thể thao có liên quan tới bóng đá. Khi chơi trò này, một người sẽ thực hiện việc ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng hoặc "phê pha giả tạo".
Chia sẻ với phóng viên, BS Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vị trí mà các bạn trẻ đang tác động trên cơ thể khi tham gia trò chơi bắt pen, trong y học gọi là xoang cảnh.
Xoang cảnh là một vùng giãn nở ở gốc động mạch cảnh trong, ngay phía trên của điểm phân nhánh của động mạch cảnh trong và động mạch cảnh ngoài. Đây là vị trí vô cùng nhạy cảm với những thay đổi áp suất trong động mạch.
Khi tác động với lực bằng tay có thể gây phản ứng mạnh của dây thần kinh phế vị, gây ra những thay đổi lớn về nhịp tim và huyết áp, có thể gây nhịp chậm, giãn mạch, hạ huyết áp, thậm trí là gây ngừng tim.
"Khi làm như vậy cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo thành cục máu đông hoặc bong một số mảng bám. Điều này có thể dẫn tới đột quỵ, đe dọa tính mạng", BS Đỗ Doãn Bách cho biết.
Cũng theo vị bác sĩ này, kích thích xoang cảnh nếu thực hiện tại bệnh viện và được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn thì có thể điều trị tăng huyết áp kháng trị, thông qua kích hoạt phản xạ áp suất, có thể để chuyển nhịp trên những bệnh cảnh rối loạn nhịp. Tuy không hiệu quả bằng thuốc nhưng vẫn được sử dụng với một số bệnh cảnh đặc thù.
Kích thích ở đây chỉ là xoa nhẹ nhàng và từng bên, chứ không phải ấn mạnh cả hai bên như các bạn trẻ đang hướng dẫn nhau.
"Đây là hành động hết sức nguy hiểm vì khi đè chặt mạch máu nuôi não sẽ gây ảnh hưởng đến lượng máu lên não, nếu thực hiện nhiều lần sẽ gây tổn thương não vĩnh viễn không thể hồi phục", BS Đỗ Doãn Bách nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực tim mạch, một trong những nguyên nhân gây ngất là hội chứng xoang cảnh. Đây là căn bệnh do quá nhạy cảm với các tác động vào khu vực xoang cảnh và gây các phản ứng bất lợi ngay lập tức.
Vì vậy, nếu các bạn trẻ hướng dẫn nhau, thậm trí thực hiện cho nhau, nếu thực hiện đúng người tiềm ẩn hội chứng xoang cảnh sẽ gây ra hậu quả không đáng có.
Chèn ép động mạch cảnh hai bên là một hành động nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe. Hành động này gây cản trở cung cấp máu lên não, có thể gây ra các vấn đề do giảm hoặc ngừng cung cấp oxy cho não.
Chính vì vậy, bác sĩ chuyên ngành tim mạch khuyến cáo, tuyệt đối không thực hiện việc chèn ép động mạch cảnh để tìm cảm giác hay thư giãn, vì đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng và thậm chí tử vong.
Nếu đã từng thực hiện hành vi này và có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu, hoặc có các triệu chứng thần kinh, người bệnh cần đi khám ngay lập tức.
Gia đình, nhà trường nên truyền thông để các bạn trẻ hiểu, không thực hiện những hành động này, nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và những người khác.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng vừa đưa ra cảnh báo về trò chơi nguy hiểm này của giới trẻ.
Nguyên nhân của trào lưu "bắt pen" là nhiều người, đặc biệt là giới trẻ muốn thử nghiệm những cảm giác mạnh mẽ và khác biệt. Tuy nhiên, cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng hậu quả vô cùng nguy hiểm, không thể lường trước được.
Khi thực hiện ấn vào 2 động mạch cảnh vài giây sẽ không gây nguy hiểm nhưng nếu ấn lâu thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng. Khi máu không được cung cấp đủ cho não, có thể dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí tổn thương não. Nguy hiểm hơn, các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi.
Một số tác hại của trào lưu "bắt pen":
Thiếu máu não: Nếu thực hiện ấn vào 2 động mạch cảnh vài giây sẽ không gây nguy hiểm nhưng nếu ấn lâu thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng. Khi máu không được cung cấp đủ cho não, có thể dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí là tổn thương não. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi.
Ngưng tim: Hành động "bắt pen" có thể kích thích một số phản xạ trong cơ thể, dẫn đến ngưng tim đột ngột.
Chấn thương mạch máu, thần kinh vùng cổ: Áp lực mạnh lên cổ có thể gây chấn thương cho các cấu trúc xung quanh, bao gồm dây thần kinh và mạch máu và các tổ chức mô mềm xung quanh. Trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến tử vong.