Bộ Y tế cho biết đang tích cực chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả, thận trọng từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu...
Tuy vậy, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng về những tác dụng phụ có thể đến với con em mình khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Về vấn đề này, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tiêm chủng và phòng, chống COVID-19 đều khẳng định một thông điệp rất rõ ràng: Tiêm chủng lợi ích rất lớn, lớn gấp nhiều lần so với rủi ro. Các bậc cha mẹ không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ.
PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin, hiện đã có hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Có thể kể đến như Mỹ, 64 quốc gia thuộc châu Âu và các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia cũng đã chấp thuận sử dụng vaccine cho trẻ thuộc nhóm tuổi này.
Việt Nam sẽ sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi, tuy nhiên hàm lượng kháng nguyên hoàn toàn khác với vaccine cho lứa tuổi trẻ từ 12 cho tới 17 tuổi. Hàm lượng vaccine cho nhóm 5-11 tuổi chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn và cách thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ cũng sẽ phải tập huấn rất kỹ lưỡng.
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng, chưa có một chiến dịch tiêm chủng nào mà có sự tham gia chỉ đạo rất sát sao của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp cũng tham gia vào công tác tiêm chủng an toàn, đã có công tác theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm tốt. Chúng tôi rất vững tay để chúng ta có một chiến dịch tiêm chủng an toàn để bảo đảm cho nhóm trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, với mong muốn đạt được độ bao phủ trên 90%, thậm chí 95% các cháu sẽ được bảo vệ, chủ động phòng, chống dịch COVID-19”, PGS.TS. Dương Thị Hồng khẳng định.
PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thì cho hay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi nhiễm COVID-19 và hậu COVID-19, chủ yếu rơi vào nhóm dưới 12 tuổi và chưa tiêm chủng. Dù chưa có số liệu thống kê một cách chắc chắn và cụ thể nhưng qua thực tế công việc, nhóm tuổi từ 12 đến 18 tuổi có mắc thì cũng ở thể nhẹ, không đến mức độ chuyển nặng phải nhập viện hoặc có thể tử vong. Đây là vấn đề hết sức lưu ý.
“Là một bác sĩ nhi khoa, tôi thấy vấn đề nữa là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của trẻ em. Trẻ em được quyền hưởng những thành quả của khoa học, thành quả của nghiên cứu, xuất phát từ thực tế. Do vậy, tôi nghĩ rằng các ông bố bà mẹ nên cho con mình có cơ hội để phòng chống dịch bệnh và nếu không may mắc, thì sẽ không chuyển nặng và đặc biệt là không dẫn đến tình trạng tử vong. Đây là điều mà với tư cách của một bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên các ông bố bà mẹ như vậy. Hãy nhìn rộng ra một chút, nhìn trong gia đình mình, và nhìn trong cá thể của mỗi con người”, PGS.TS. Trần Minh Điển nói.
PGS. Điển hiểu tâm trạng lo lắng của các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội trong việc tiêm phòng cho trẻ em nhưng cũng trấn an rằng thời gian qua, chúng ta tiêm cho người lớn và rồi tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đều an toàn.
Với nhóm trẻ ít tuổi hơn, có sự đặc biệt hơn về thể chất, về tinh thần, sự lo ngại của cha mẹ cũng nhiều hơn. Chúng ta cần phải quan tâm. Nhưng với loại vaccine như vậy, chúng tôi đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn được tốt cho các ông bố, bà mẹ và cũng chỉ định được vaccine này cho trẻ em.
“Vaccine Pfizer lấy vật liệu chính là các ARN thông tin (mRNA); đi vào trong bào tương tế bào miễn dịch; phối hợp cùng các ribosom tạo ra các protein S. Các protein S ra ngoài cùng các tế bào miễn dịch khác tạo các kháng thể chống đỡ vắc xin; các ARN thông tin này chỉ vào bào tương của tế bào; không xâm nhập vào nhân tế bào, nơi chứa các vật liệu di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.
Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn”, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh.