Kể từ khi được áp dụng chính thức năm 2016, công nghệ video hỗ trợ trọng tài (Video Assistant Referee - VAR) đã gây ra những tranh luận sôi nổi. Sự thiếu nhất quán trong cách các trọng tài sử dụng công nghệ và thời gian đưa ra quyết định đã gây ra sự bất mãn. Giải Ngoại hạng Anh thậm chí tổ chức cuộc bỏ phiếu đầu tháng này để loại bỏ VAR, dù cuối cùng tỷ lệ ủng hộ là 19/1.
Tại Euro 2024, VAR được áp dụng trong tất cả trận đấu diễn ra. Tuy nhiên, so với World Cup 2022 ở Qatar, VAR được nâng cấp mạnh mẽ với khả năng phân tích chính xác hơn nhờ trí tuệ nhân tạo.
"Khả năng quan sát một trận bóng của AI đang trở nên tiên tiến hơn trước. Nó giờ đây cho ta cảm giác như một sinh vật có tri giác đang làm việc cùng với con người", John Eric Goff, nhà nghiên cứu vật lý thể thao tại Đại học Lynchburg, Virginia (Mỹ), nói với Nature.
Theo ông, AI trên VAR áp dụng tại Euro 2024 là sự kết hợp giữa các thuật toán và máy móc có khả năng xử lý nhanh chóng lượng lớn dữ liệu mà trọng tài thông thường không thể nhận biết. Dữ liệu này được truy xuất dựa trên 10 camera được đặt khắp nơi dưới mái che sân vận động, có thể quan sát 29 vị trí trên cơ thể mỗi cầu thủ.
Như vậy, với 22 cầu thủ trên sân, có hơn 600 điểm chuyển động. Cứ 50 lần mỗi giây, những dữ liệu này sẽ được đưa vào máy tính. "Về cơ bản, tất cả camera này có thể cho bạn biết trong thời gian thực vị trí của cầu thủ trên sân, vị trí của quả bóng và tốc độ của bóng, cầu thủ và các bộ phận cơ thể của họ đang chuyển động", Goff giải thích.
Quả bóng sử dụng tại Euro 2024 cũng có cấu tạo đặc biệt, sử dụng công nghệ FussBallLiebe của Adidas. AI gửi dữ liệu từ quả bóng đến các trọng tài theo thời gian thực để hỗ trợ quá trình ra quyết định nhanh hơn, cũng như giúp trọng tài VAR xác định từng cú chạm bóng.
"Đây là một trong những trái bóng có thiết kế tiên tiến và công nghệ cao cấp nhất lịch sử bóng đá", Give Me Sport nhận xét.
Theo Goff, nếu cắt quả bóng và nhìn bên trong sẽ thấy một cảm biến nhỏ nằm ở trung tâm, kết nối bằng dây với lớp vỏ. Cảm biến này ghi lại vị trí của quả bóng và chuyển động của nó, sau đó truyền dữ liệu nhanh gấp 10 lần so với camera được sử dụng trong sân vận động.
Dữ liệu kết hợp với kết xuất từ camera để xác định vị trí quả bóng so với cơ thể người chơi. Chip bên trong có thể nhận biết thời gian và điểm tiếp xúc chính xác, bất cứ khi nào bóng nhận được xung lực từ một cú đá hoặc từ tay của cầu thủ, dù là cú chạm rất nhẹ. Điều này rất quan trọng để trọng tài xác định bàn thắng thuộc về ai, hay bóng có chạm tay không.
Một trong những ứng dụng chính của VAR là công nghệ xác định việt vị bán tự động. AI hiển thị 29 điểm dữ liệu thu thập trên mỗi cầu thủ theo không gian ba chiều, kết hợp thuật toán cho cấu trúc xương, xem xét vị trí của một bộ phận cơ thể nhất định trên mặt phẳng thể hiện lỗi việt vị. Nếu một trong 29 điểm vượt giới hạn, người đó được xác định vi phạm.
Với công nghệ goalline (vạch vôi), trên đường biên ngang, việc xác định bóng đã vượt vạch vôi để vào lưới hay chưa cũng được áp dụng AI với hình ảnh 3D của bóng sẽ hiển thị trên máy tính.
Cuối cùng, AI có thể đưa ra quyết định tổng thể một cách nhanh chóng. VAR tại World Cup 2022 mất trung bình 70 giây để xác định lỗi việt vị, nhưng công nghệ mới xử lý dưới nửa phút. Vì vậy, trọng tài sẽ có thể ra quyết định nhanh hơn.
Tuy vậy, theo Goff, công nghệ mới vẫn tồn tại một số lỗi. Thực tế, camera có thể chưa đủ bao quát để theo dõi toàn bộ hành động của cầu thủ. Thuật toán được sử dụng để dựng hình ảnh 3D của cầu thủ cũng chưa chính xác, bởi 29 điểm không đại diện cho tất cả điểm trên cơ thể cầu thủ. Dù vậy, sai sót được cho là rất nhỏ, dưới 0,5 cm.
Ngoài ra, một hạn chế khác là vị trí chạm bóng. Chip trong bóng có thể xác định việc đã bị chạm, nhưng không thể biết là bằng tay, đầu hay bộ phận khác, buộc trọng tài phải xem lại tình huống.
"Dù AI đang giúp VAR hoàn thiện hơn, tôi không nghĩ chúng ta sẽ có robot trọng tài trong tương lai gần", Goff nhận xét. "Những việc như xác định lỗi, phạt thẻ và các quyết định khác vẫn cần đến con người".
(Theo VNE)