TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết Botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, được vi khuẩn C. botulinum sản sinh ra trong quá trình phát triển (nhân đôi hay sinh bào tử).
Vi khuẩn C. botulinum là loài vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí), có khả năng tự tạo ra bào tử (tức vi khuẩn tự "đóng kén" để tồn tại trong môi trường có không khí) nằm lẫn trong đất cát. Khi có điều kiện thuận lợi là môi trường yếm khí, thường gặp nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, các bào tử này sẽ tái hoạt động, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum.
Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho hay dấu hiệu nhận biết đồ hộp có thể chứa C. botulinum là các đồ hộp bị phồng (do vi khuẩn sinh hơi). Bệnh này không gây tiêu chảy, mất nước như các bệnh ngộ độc thực phẩm khác (độc tố tụ cầu, salmonella,..).
Trung bình từ 12 – 36 giờ (có thể vài ngày) sau khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm vi khuẩn C. botulinum này, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc botulinum dẫn tới các triệu chứng như: Đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân và sau cùng là khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Mặc dù được điều trị tích cực, tình trạng liệt vẫn kéo dài vài tháng, thậm chí có thể liệt không hồi phục. Điều đó cho thấy ngộ độc botulinum là một bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm.
Ngoài việc xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, bào tử vi khuẩn C. botulinum còn có thể xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch. Khi vết thương liền miệng tạo ra môi trường yếm khí thì các bào tử có thể tái hoạt sản sinh ra chất độc botulinum dẫn tới ngộ độc.
Một trong những sản phẩm được cho là có xuất hiện vi khuẩn gây ngộ độc cho 9 trường hợp mới đây. Hiện sản phẩm đã bị yêu cầu dừng kinh doanh và công ty đã có thông báo thu hồi.
Khác với người lớn, trong đường ruột của trẻ nhũ nhi, bào tử vi khuẩn này cũng có thể phát triển (do ăn phải thức ăn bị nhiễm bào tử không đóng hộp) dẫn tới ngộ độc.
TS Lê Quốc Hùng khuyến cáo:
- Giữ gìn vệ sinh thực phẩm, ăn những loại thức ăn đã được nấu chín.
- Tránh ăn những thức ăn đóng hộp làm bằng tay không có công nghệ tiệt trùng.
- Rửa sạch các vết thương ngoài da sau khi bị thương, bôi các loại dung dịch sát khuẩn lên vết thương và yêu cầu chăm sóc y tế trong quá trình điều trị sau đó.
(tổng hợp)