Đây là dự án quy mô lớn, triển khai trong vòng một năm, nhằm huy động sức trẻ trong và ngoài nước tham gia ghi lại, số hóa và lan tỏa những ký ức sống động từ các nhân chứng lịch sử, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay.

Theo Trung ương Đoàn, hiện nay cả nước có hơn 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Tuy nhiên, phần lớn các nhân chứng lịch sử – những người từng trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến các thời khắc hào hùng của dân tộc – đều đã cao tuổi. Việc lưu giữ lời kể, kỷ vật và hình ảnh của họ là hành động tri ân đầy ý nghĩa, đồng thời là nhiệm vụ cấp bách trong công cuộc bảo tồn những giá trị tinh thần quý báu của đất nước.
Đề án xác định rõ việc để đoàn viên, thanh niên trực tiếp tham gia vào quá trình thu thập, ghi chép và lan tỏa ký ức lịch sử chính là phương pháp giáo dục trực quan sinh động, giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống dân tộc và nhận thức rõ trách nhiệm gìn giữ di sản tinh thần của cha ông.

Hai mục tiêu trọng tâm, bốn đợt cao điểm
Đề án đặt ra hai mục tiêu chính: một là tổ chức triển khai sâu rộng, nhanh chóng và hiệu quả trên toàn quốc; hai là thông qua việc lưu trữ và tuyên truyền các câu chuyện lịch sử, tạo nên một phong trào hành động cách mạng sâu sắc, phục vụ giáo dục, nghiên cứu và lan tỏa giá trị truyền thống.
Đối tượng tham gia là toàn thể đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi trong và ngoài nước.
Nguồn tư liệu sẽ được khai thác từ những người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và các nhân chứng trực tiếp của những sự kiện lịch sử quan trọng.
Thời gian thực hiện Đề án kéo dài từ ngày 27/7/2025 đến 27/7/2026, chia thành 4 đợt cao điểm gắn với các dấu mốc lịch sử của dân tộc và tổ chức Đoàn:
Đợt 1: Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9 (1945 – 2025)
Đợt 2: Kỷ niệm 81 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2025)
Đợt 3: Kỷ niệm 95 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2026)
Đợt 4: Tổng kết đề án, gắn với 79 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2026)
Công nghệ số đồng hành cùng tinh thần truyền thống
Một trong những điểm mới nổi bật của đề án là sự kết hợp giữa hoạt động truyền thống với công nghệ hiện đại. Chiến dịch cốt lõi mang tên Ký ức sống mãi sẽ huy động các đội hình thanh niên đến gặp gỡ, ghi âm – ghi hình câu chuyện từ các nhân chứng. Trung ương Đoàn sẽ xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ năng phỏng vấn, sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để chuyển giọng nói thành văn bản, phục vụ cho việc biên tập, lưu trữ và xuất bản nội dung.

Bên cạnh đó, các đội hình tình nguyện sẽ thực hiện số hóa thông tin mộ liệt sĩ, di ảnh, kỷ vật thành cơ sở dữ liệu điện tử. Cổng thông tin chính thức của đề án tại địa chỉ http://cauchuyenlichsu.doanthanhnien.vn sẽ tiếp nhận, lưu trữ và trưng bày toàn bộ sản phẩm từ các địa phương gửi về.
Các hoạt động truyền thông cũng được chú trọng đầu tư. Bộ nhận diện thương hiệu của đề án và các hashtag thống nhất gồm: #cauchuyenthoihoalua và #TuhaoVietNam sẽ được triển khai trên nhiều nền tảng. Một cuộc vận động sáng tác video, bài viết, sử dụng các công cụ sáng tạo như filter, capcut, reels... sẽ được phát động nhằm khuyến khích người trẻ tham gia kể lại lịch sử theo cách riêng của mình.

Đặc biệt, Bộ sách Những câu chuyện thời hoa lửa sẽ được NXB Kim Đồng biên soạn và ra mắt vào dịp tổng kết đề án. Song song, loạt podcast Ký sự thời hoa lửa sẽ được phát hành hàng tháng nhằm lan tỏa sâu rộng hơn những câu chuyện truyền cảm hứng đến cộng đồng.
Tại các trường học, thư viện và địa điểm công cộng sẽ xây dựng các "Trạm ký ức" – là nơi trưng bày hiện vật hoặc bảng tin có gắn mã QR, giúp học sinh và người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, kết nối với lịch sử bằng những trải nghiệm gần gũi và trực quan.