Hàng không là một trong những ngành nghề mơ ước mà biết bao người muốn đặt chân vào. Tuy nhiên, để có thể đứng được ở hàng ngũ phi công thì bạn phải trải qua rất nhiều khâu tuyển chọn khắt khe, trong đó có cả yêu cầu trên người không có sẹo. Chắc hẳn nghe đến yêu cầu này nhiều bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên lắm đúng không?
Như chúng ta biết, càng lên cao không khí sẽ càng loãng và áp lực càng thấp khiến cơ thể con người nở ra. Điều tất yếu là các vết sẹo dù mới hay cũ cũng đều nở ra theo. Độ lớn của vết sẹo tỉ lệ nghịch với khả năng chịu áp lực, sẹo càng to chịu áp lực càng kém. Khi máy bay chẳng may gặp sự cố về máy nén khí thì những vết sẹo này sẽ không đủ khả năng chống chịu áp lực mà bị nứt toác và chảy máu.

Nếu như cabin và khoang máy bay là những phòng kín, áp lực khi ở đó được cân bằng giống như không khí ở độ 2000m so với mực nước biển thì hoàn toàn không gây nguy hiểm cho người có sẹo. Tuy nhiên, khi bay ở độ cao 30.000 - 40.000 feet (tương đương 9.000 - 12.000m) áp lực của không khí bên ngoài khoang máy chỉ bằng 1/4 so với ở mặt đất.
Trường hợp mà máy bay gặp sự cố ở độ cao này, thiết bị nén khí sẽ ngừng hoạt động, phi công nhanh chóng yêu cầu hành khách dùng mặt nạ dưỡng khí và hạ độ cao của máy bay xuống. Trong khoảng thời gian này, trên người phi công mà có vết sẹo lớn sẽ gặp nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng tập trung để xử lý an toàn cho chuyến bay.

Thế còn với các hành khách có sẹo thì sao, họ sẽ không được đi máy bay ư? Câu trả lời là những hành khách này hoàn toàn có thể đi được máy bay. Họ cũng sẽ bị rách vết thương khi ở trong tình huống trên nhưng khác một điểm là họ có thể tập trung mọi tâm trí để xử lý vết thương được. Còn đối với phi công, là người trực tiếp cầm lái điều khiển máy bay thì họ không thể bị xao lãng bởi những vết thương trên người. Một bật mí nho nhỏ là tỷ lệ sự cố này xảy ra rất ít và nếu có bị ảnh hưởng thì cũng chỉ khiến vết sẹo nứt ra, không gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng không phải tất cả mọi trường hợp phi công trên người có vết sẹo đều không được lái máy bay đâu nhé! Tùy theo tính chất công việc và yêu cầu của hãng hàng không sẽ có quy định cụ thể về độ lớn của vết sẹo. Trong lĩnh vực dân sự, những vết sẹo nhỏ hơn đồng xu có thể xử lý được. Nhưng ở lĩnh vực quân sự, quy định nghiêm khắc hơn nhiều. Dù chỉ có 1 vết sẹo nhỏ thôi cũng không được phép cầm lái. Vì chiến lược bay quân sự cần sự phối hợp, lúc lên lúc xuống độ cao thay đổi cực nhanh.

Để trở thành một phi công, các ứng viên phải trải qua 13 vòng kiểm tra: điện tim, điện não, xét nghiệm sinh hóa máu, nước tiểu, tâm lý thần kinh,… Quá trình đào tạo một phi công sẽ phải mất từ 7 - 9 năm và chi phí đào tạo khoảng 1,5 - 2,5 tỷ đồng. Họ cũng chính là người gánh trên vai tính mạng của hành khách nên luôn phải tập trung cao độ trong mọi tình huống. Để đảm bảo an toàn, các hãng hàng không bắt buộc đưa ra những quy định nghiêm ngặt đối với phi công.