Đề xuất trình Quốc hội xem xét miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non và phổ thông

PV (tổng hợp)
Ngày 25/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến chính sách miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày, dự thảo Nghị quyết đề xuất bổ sung đối tượng được miễn, hỗ trợ học phí, gồm: trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh trung học phổ thông và người theo học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục hiện chưa được quy định đầy đủ trong pháp luật.

Ngoài ra, học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục dân lập và tư thục cũng sẽ được xem xét hỗ trợ học phí, nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, thúc đẩy phát triển giáo dục ngoài công lập và tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

Chính phủ khẳng định, chính sách này phù hợp với Hiến pháp năm 2013, trong đó quy định Nhà nước chăm lo giáo dục mầm non, bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc và không thu học phí, từng bước phổ cập giáo dục trung học. Đồng thời, đây cũng là bước cụ thể hóa kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594-CV/VPTW ngày 1/3/2025 về việc miễn học phí cho học sinh trong hệ thống công lập, các đối tượng khác thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê năm học 2023–2024, cả nước có khoảng 23,2 triệu học sinh, trong đó khoảng 93% học tập tại các cơ sở giáo dục công lập và 7% tại các cơ sở ngoài công lập. Cụ thể, có 4,8 triệu trẻ em mầm non, 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh trung học cơ sở và 2,99 triệu học sinh trung học phổ thông.

Dựa trên mức học phí bình quân của ba vùng (thành thị, nông thôn, miền núi) theo quy định của Chính phủ, tổng nhu cầu ngân sách để thực hiện chính sách này ước tính khoảng 30.600 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách dành cho khối công lập là 28.700 tỷ đồng, còn khối ngoài công lập khoảng 1.900 tỷ đồng. Sau khi trừ phần ngân sách đã chi theo chính sách miễn học phí hiện hành, số bổ sung cần thiết vào khoảng 8.200 tỷ đồng.

C
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu ý kiến tại phiên họp

Qua thẩm tra dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, thể hiện tính ưu việt của chế độ và tăng cường trách nhiệm của Nhà nước trong chăm lo cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về phương thức tổ chức thực hiện, trong đó giao Chính phủ hướng dẫn việc chi trả hỗ trợ học phí, đặc biệt với người học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Ngoài ra, Ủy ban cũng kiến nghị đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, bổ sung kinh phí cho người học chương trình phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên và quy định ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách theo luật định.

t
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh sự thống nhất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc ban hành Nghị quyết này. Ông đề nghị Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, đặc biệt chú trọng việc rà soát nhóm đối tượng thụ hưởng và xác định phương thức hỗ trợ học phí phù hợp cho từng loại hình cơ sở giáo dục.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất trình Quốc hội xem xét miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non và phổ thông tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác