Theo trang Date and Time, vào đêm cực đại của mưa sao băng Orionids, những người quan sát có thể ngắm khoảng 20 ngôi sao băng rơi mỗi giờ.
Orionids là một trong những trận mưa sao băng đặc biệt nhất năm. Không những góp phần tạo nên "mưa sao băng kép", nó còn là kết quả của việc một vật thể quen thuộc quất chiếc đuôi đá bụi trúng bầu khí quyển Trái Đất lần thứ 2 trong năm.
Orionids được đặt tên theo nơi mà các ngôi sao băng như phát ra trên bầu trời: Chòm sao Orion, hay Lạp Hộ, tức "thợ săn" trong tiếng Hán.
Vì vậy để tìm kiếm các quả cầu lửa Orionids, bạn cần hướng mắt về phía cánh tay đang giơ lên để giương cung của chòm sao hình chàng thợ săn trên bầu trời.
Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của trận mưa sao băng này là sao chổi Halley, một vật thể có quỹ đạo 76 năm quanh Mặt Trời.
Dù đến tận năm 2061 người Trái Đất mới thấy được sao chổi này quay lại, nhưng mỗi năm chiếc đuôi đá bụi dài của nó vẫn cắt ngang quỹ đạo Trái Đất những 2 lần.
Khi chiếc đuôi đá bụi này quất trúng bầu khí quyển của hành tinh, các mảnh vỡ sẽ rơi xuống tạo thành sao băng.
Hồi tháng 5, Halley từng tạo ra mưa sao băng Eta Aquarids, phát ra từ vị trí chòm sao Aquarius (Bảo Bình).
Orionids là trận mưa sao băng thứ 2 lập đỉnh trong tháng 10. Nó vốn rơi từ ngày 2-10, mạnh dần lên cho đến đêm cực đại 21-10 và sẽ yếu dần và biến mất hoàn toàn sau ngày 7-11.
Do vậy, Orionids đã có giai đoạn rơi song song với mưa sao băng Draconids từ chòm sao Draco (Thiên Long), tạo nên hiện tượng mưa sao băng kép từ ngày 6 đến ngày 10-10.
Để chiêm ngưỡng Orionids, bạn nên để mắt làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút, tìm một nơi có không gian thoáng đãng và hy vọng thời tiết sẽ tốt.