Tại buổi tập huấn, chú Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: “Tình trạng đuối nước ở trẻ em hiện nay đã có cải thiện nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Làm sao để không chỉ dừng lại ở việc đưa thông tin hay thương cảm mỗi khi có vụ đuối nước xảy ra mà phải biến nó thành hành động của cộng đồng”.
Tiến sĩ Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng đưa ra những con số “biết nói” cho thấy sự cấp thiết trong việc phòng, tránh đuối nước. Đó là có tới gần 2.000 trẻ em bị đuối nước ở nước ta mỗi năm.
Cô Đoàn Thị Thu Huyền - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức CTFK/GHAI tại Việt Nam, trình bày những kết quả can thiệp từ “Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam” do tổ chức này thực hiện. Theo đó, 44.398 trẻ từ 6-15 tuổi được học bơi an toàn; 52.250 trẻ từ 6-15 tuổi được học kỹ năng an toàn; 30.204 cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên Mầm non được hướng dẫn về phòng chống đuối nước trẻ em…
Đặc biệt, trong buổi tập huấn, cô Thu Huyền đã nêu ra hiệu quả của 6 can thiệp phòng chống đuối nước ở Việt Nam, gồm:
- Tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho các bé tuổi Mầm non.
- Làm rào kiểm soát các con tiếp cận với nguồn nước.
- Dạy bơi và kỹ năng an toàn môi trường nước cho các bạn độ tuổi Tiểu học trở lên.
- Đào tạo cho người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu.
- Xây dựng khả năng chống chịu và quản lý rủi ro cùng các hiểm họa khác ở các cấp độ địa phương và quốc gia.
- Xây dựng và thực thi các quy định về an toàn giao thông đường thủy (tàu, thuyền, phà).
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |