Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là bệnh do virus Adenovirus hoặc vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè hoặc khi thời tiết nóng ẩm bất thường. Khi mắc bệnh này, đôi mắt của người bệnh sẽ nhanh chóng chuyển sang màu đỏ, có ghèn chảy ra khoé mắt khiến 2 mí mắt dính chặt vào nhau và luôn có cảm giác khó chịu. Bệnh sẽ khỏi hoàn toàn sau 4-5 ngày nếu được điều trị đúng cách hoặc sẽ bị biến chứng nếu người bệnh chủ quan, áp dụng các phương pháp thiếu khoa học. Thế nhưng, rất nhiều gia đình lại lựa chọn các cách dân gian vì cho rằng nó có thể chữa lành bệnh cấp tốc như dùng rau diếp cá hoặc xông lá trầu không.
Theo đông y, lá trầu không có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng và kháng khuẩn. Tinh dầu trong lá trầu không thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau có hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: Tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ… và có tác dụng kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng loại nấm.
Nhiều người đã dựa vào tính chất này và tin rằng xông lá trầu sẽ chữa được bệnh đau mắt đỏ. Khi xông hơi, lá trầu không sẽ bốc lên tinh dầu bay vào mắt, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây đau mắt đỏ, giúp đôi mắt bạn khỏe đẹp hơn mỗi ngày. Nhưng đây lại là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng biến chứng, gây hại cho đôi mắt.
Theo Trí Thức Trẻ, BS Đặng Văn Quế (Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế DND) cho biết, trong dân gian thường truyền tai nhau về việc đắp hoặc xông lá trầu không, lá dâu… để trị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, cách điều trị này rất nguy hiểm. Bởi nếu chúng ta đắp hoặc xông các loại lá này có thể sẽ gây ra bị bỏng giác mạc, loét giác mạc...
Xông nóng có thể gây bỏng mắt
"Trong lá trầu không có tinh dầu nóng dễ gây nhiễm khuẩn cho mắt và gây bỏng mắt do sức nóng, khi vừa xông xong người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nên dễ lầm tưởng có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh các loại lá trên có tác dụng chữa trị đau mắt đỏ, ngược lại nó có thể càng làm cho mắt phù nề hoặc bị nhiễm khuẩn nặng hơn, nhất là trong trường hợp người dùng không rửa sạch lá trước khi đắp hoặc xông", chuyên gia khẳng định.
Cũng theo bác sĩ Quế, bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan qua tiếp xúc, đặc biệt là khi tiếp xúc gần và thường xuyên. Khi có triệu chứng mắc bệnh, cần tới ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh bệnh có diễn tiến lâu dài và khả năng gây biến chứng nguy hiểm. Để hạn chế lây nhiễm, người bệnh không nên tới chỗ đông người, tránh lây lan cho người khác. Trẻ em bị bệnh nên nghỉ học để chăm sóc tại nhà.
Huệ Anh