Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, phim hoạt hình do người Việt sản xuất được công chiếu thương mại liên tiếp trên màn ảnh rộng, mở ra tín hiệu tích cực cho một dòng phim vốn quen thuộc với nền tảng YouTube và truyền hình.
Lấy cảm hứng từ văn học dân gian và thiếu nhi, cả hai bộ phim đều mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh thần truyền thống. Trạng Quỳnh nhí kể câu chuyện mới về cậu bé Quỳnh, một nhân vật dân gian được yêu thích trong hành trình giải oan cho cha và khám phá bí mật liên quan đến truyền thuyết Cửu Vĩ Hồ. Phim khai thác yếu tố kỳ ảo, phiêu lưu, hướng đến khán giả gia đình.

Trong khi đó, Dế Mèn được chuyển thể từ tác phẩm kinh điển của nhà văn Tô Hoài, đặt bối cảnh tại một thành phố côn trùng xây dựng từ rác tái chế, nơi Dế Mèn và Dế Trũi vướng vào âm mưu của “đại vương” Ếch Cốm. Câu chuyện được làm mới với thông điệp về bảo vệ môi trường, sự đoàn kết giữa các loài và quyền được sống trong một thế giới công bằng.

Điểm nổi bật của hai tác phẩm là quá trình sản xuất công phu. Để đưa Trạng Quỳnh nhí từ series YouTube thành phim 3D chiếu rạp, êkíp đã phải thiết kế lại toàn bộ nhân vật và bối cảnh bằng kỹ thuật số, đồng thời cải tiến quy trình diễn hoạt để tạo chuyển động tự nhiên và biểu cảm sống động.
Tương tự, Dế Mèn được thực hiện bởi đội ngũ 100% người Việt, trong đó có nhiều sinh viên công nghệ thông tin và mỹ thuật đa phương tiện. Các chi tiết như trận đấu võ thuật của bọ ngựa, thành phố rác thải hay cầu Long Biên đều được xây dựng chỉn chu, vừa gần gũi vừa độc đáo.

Tỷ lệ kỹ xảo chiếm đến 35% tổng ngân sách, cho thấy mức đầu tư đáng kể trong lĩnh vực vốn ít được quan tâm. Dù chưa đạt tới chuẩn quốc tế, các nhà sản xuất khẳng định ưu tiên lớn nhất là giữ được bản sắc Việt và truyền tải cảm xúc chân thực.
Hoạt hình Việt hiện vẫn đứng trước nhiều trở ngại: hạn chế về kinh phí, kinh nghiệm làm phim điện ảnh dài tập và áp lực cạnh tranh với các "ông lớn" quốc tế. Dế Mèn ra rạp chỉ một tuần sau Doraemon 44, trong khi Trạng Quỳnh nhí đối đầu trực tiếp với Elio của Pixar. Ngoài ra, tâm lý “hoạt hình là dành cho trẻ nhỏ” vẫn khiến một bộ phận khán giả trưởng thành còn dè dặt đến rạp.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng nếu biết tận dụng kho tàng văn hóa dân gian – vốn đầy tiềm năng với hàng loạt nhân vật và câu chuyện hấp dẫn – thì điện ảnh hoạt hình Việt hoàn toàn có thể xây dựng được những thương hiệu bền vững. Các nhân vật như Thạch Sanh, Sơn Tinh, Mỵ Châu, Chử Đồng Tử... đều có thể trở thành nền tảng để phát triển thành IP (tài sản trí tuệ) mạnh mẽ, phục vụ cả giải trí và giáo dục, đồng thời quảng bá văn hóa Việt ra quốc tế.
Dù hành trình phía trước còn dài, mùa hè 2025 đã đặt những viên gạch đầu tiên quan trọng để hoạt hình Việt bước ra khỏi "vùng an toàn" và tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lòng khán giả.