TRAO ĐỔI CỦA BAN GIÁM KHẢO VỀ CHỦ ĐỀ CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 53 (NĂM 2024)

Hành trình 150 năm UPU trong một thế giới thay đổi

BAN GIÁM KHẢO
Chủ đề cuộc thi năm nay gắn kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) trong năm 2024 (1874 - 2024).

Chủ đề: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để nói về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.

Tiếng Anh: “At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit”

Cuộc thi được tổ chức thường niên, Viết thư Quốc tế UPU đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuộc thi và trở thành một hoạt động thu hút sự tham gia đông đảo của các em học sinh cả nước.

Nhằm giúp các em tham gia cuộc thi viết được những bức thư hay và đúng thể lệ, Ban Giám khảo cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU 53 (năm 2024) trao đổi cùng các em về kỹ thuật thể hiện một bức thư và về chủ đề của cuộc thi năm nay.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi giao lưu và chia sẻ với các bạn học sinh tại Lễ Phát động cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi giao lưu và chia sẻ với các bạn học sinh tại Lễ Phát động cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53

Kỹ thuật viết một bức thư đúng thể lệ

Để có một bức thư tham gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU đúng quy định, việc đầu tiên, các em hãy đọc kỹ Thể lệ của cuộc thi. Thể lệ là văn bản được Ban tổ chức cuộc thi tại Việt Nam công bố chính thức đến các đơn vị phối hợp gồm: Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Từ đó, thể lệ của cuộc thi được chuyển đển các nhà trường và các em học sinh.

Ban giám khảo lưu ý các em một số điểm quan trọng như sau:

- Bức thư viết dưới dạng văn xuôi và phải theo đúng thể thức của một bức thư: Phần đầu thư có thời gian, địa điểm viết thư, đối tượng gửi thư, lý do viết thư; Phần nội dung thư chuyển tải toàn bộ chủ đề bức thư; Phần cuối thư là những thông điệp được người viết gửi gắm, có lời chào tạm biệt và ký tên người viết.

- Các em không viết bức thư dài quá 800 từ, luôn ghi đầy đủ địa chỉ của mình ở góc trên cùng bên trái của bức thư và lưu ý không viết tên hay địa chỉ của mình (tức là không viết thông tin cá nhân) trong phần nội dung bức thư.

- Trước khi gửi đi, bức thư phải được cho vào phong bì, dán tem bưu chính và ghi số hiệu 11611 ngoài phong bì. Đó là mã Bưu chính của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, nơi nhận những bức thư của các em.

- Em hãy viết bức thư của mình bằng những câu văn  rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc. Nên tránh cách viết thư theo kiểu trình bày tư liệu khô khan, liệt kê hay kể lể chung chung. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc.

Bên cạnh thể lệ, Ban Tổ chức cuộc thi chuẩn bị cho các em bộ Những câu hỏi thường gặp khi tham gia cuộc thi. Bộ câu hỏi được đăng tải trên các kênh thông tin chính thức của cuộc thi và trên báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, các em tìm đọc nhé!

Một bức thư tham gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU không phải là bức thư thông thường, mà là một bức thư văn học, một bức thư có sự sáng tạo và cảm xúc để tạo nên sự khác biệt. Các em là tác giả của bức thư, nên phải chủ động trong cách trình bày suy nghĩ, cảm xúc của mình và cố gắng diễn đạt vấn đề  một cách thuyết phục nhất. Những bài đoạt giải cao thường là những bức thư làm lay động trái tim người đọc không chỉ bởi ý tưởng, kết cấu mà còn bởi những cảm xúc chân thành được người viết thể hiện.

Nhà báo Nguyễn Phan Khuê - Ủy viên Hội đồng Đội T.Ư - Tổng Biên tập Báo TNTP&NĐ - Phó Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi giao lưu và tặng quà cho các bạn học sinh tại Lễ Phát động
Nhà báo Nguyễn Phan Khuê - Ủy viên Hội đồng Đội T.Ư - Tổng Biên tập Báo TNTP&NĐ - Phó Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi giao lưu và tặng quà cho các bạn học sinh tại Lễ Phát động

Về chủ đề của cuộc thi năm nay

Mỗi năm, tổ chức Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) luôn chọn những vấn đề hết sức nổi bật, những vấn đề mang tính toàn cầu để đưa ra các chủ đề của cuộc thi. Vì thế, khi tham gia cuộc thi, các em không chỉ rèn kỹ năng viết văn mà còn được thể hiện những hiểu biết, suy nghĩ và tình cảm của mình về những vấn đề lớn của thời đại.

Chủ đề năm nay chứa nhiều dữ liệu mà các em cần quan tâm tìm hiểu: 150 năm hành trình bền bỉ và tận tụy của ngành Bưu chính phục vụ 8 thế hệ người dân đồng hành cùng những đổi thay của thế giới trong quãng thời gian một thế kỷ rưỡi và những câu chuyện về thế giới của chúng ta hôm nay, cũng là di sản dành cho thế hệ tương lai sau này. Sau khi tìm kiếm đủ các dữ kiện liên quan đến chủ đề, một người viết thư giỏi cần tìm ra các ý tưởng để kết nối chúng lại một cách sáng tạo, tìm ra cách viết bức thư sao cho thật giàu cảm xúc và đầy sức thuyết phục.

Có thể em sẽ tự đặt câu hỏi, phải chăng chủ đề cuộc thi năm nay gắn với sự kiện kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) trong năm 2024 (1874 - 2024), nên sẽ chỉ tập trung nói về lịch sử hay vai trò của ngành Bưu chính trong việc phục vụ thế giới của chúng ta. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Trong lịch sử của cuộc thi, có những năm đã có những chủ đề riêng về ngành Bưu chính, ví dụ, “Tôi viết thư cho một người bạn để nói về bưu chính đối với tôi có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống hằng ngày” (Chủ đề UPU 28-1999); “Tôi viết thư kể cho bạn: Dịch vụ bưu chính đã giúp tôi nối liền với thế giới như thế nào?” (Chủ đề UPU 35 – 2006). Mục đích của người ra đề là mong muốn các em thêm hiểu biết về tổ chức UPU và tôn vinh sứ mệnh phục vụ người dân và sự gắn kết đầy giá trị của Liên minh Bưu chính Thế giới với sự phát triển của nhân loại. Tại Việt Nam, ngành Bưu chính đã có nhiều đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Bưu chính không chỉ giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gửi và nhận thư từ, tài liệu, hàng hóa và thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đó là lý do chúng ta không bao giờ quên vai trò của Bưu chính, người đồng hành thầm lặng, người chứng kiến những đổi thay, người kết nối thế giới.

Vậy trong bức thư năm nay, chúng ta cần tập trung làm nổi bật nội dung nào nhất? Chủ đề năm nay khuyến khích giới trẻ bày tỏ suy nghĩ của mình về thế giới chúng ta đang sống trước những thách thức toàn cầu và đề xuất các giải pháp để thay đổi. Cốt lõi của điều này nằm trong mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, một chương trình tốt đẹp với mục đích thắt chặt sự kết nối giữa các thế hệ và đảm bảo cho một hành tinh đáng sống trong hiện tại cũng như trong tương lai. Chương trình này được tất cả các quốc gia thành viên của Liên hiệp Quốc thông qua vào năm 2015. Nội dung quan trọng nhất của Chương trình Nghị sự 2030 là danh sách 17 mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), kêu gọi tất cả các quốc gia cùng chung tay hành động và tăng cường hợp tác hướng đến cột mốc 2030. Các mục tiêu Phát triển Bền vững có tính phổ quát và bao trùm, không chỉ tập trung xóa đói giảm nghèo mà còn hướng đến việc cải thiện chất lượng y tế, giáo dục, nâng cao sự bình đẳng xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế, hành động vì khí hậu và bảo tồn rừng, biển…

Nhà thơ, Tiến sỹ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh - Thành viên Ban Giám khảo cuộc thi
Nhà thơ, Tiến sỹ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh - Thành viên Ban Giám khảo cuộc thi

Nhìn lại lịch sử các chủ đề của cuộc thi trong nhiều năm qua, có thể thấy đây là nội dung được UPU rất quan tâm: “Tôi viết lá thư này cho bạn để trao đổi làm thế nào chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn” (Chủ đề UPU 32 – 2003); “Hãy viết một bức thư nói về thế giới mà bạn muốn được lớn lên trong đó » (Chủ đề UPU 44 – 2015) ; “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng thư ký mới của Liên hợp quốc. Điều gì bạn tư vấn cho ông ấy trước tiên và cách giải quyết vấn đề ấy như thế nào?” (Chủ đề UPU 46 – 2017); “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống." (Chủ đề UPU 49 – 2020).

(Tìm hiểu về các mục tiêu Phát triển Bền vững TẠI ĐÂY).

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh SDG gần đây nhất, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới cần phải cùng nhau thực hiện kế hoạch toàn cầu một cách mạnh mẽ hơn để thực hiện Chương trình Các mục tiêu Phát triển Bền vững đúng tiến độ, “bởi đó không đơn thuần là một bản danh sách mà còn chứa nhiều hy vọng, hoài bão và kỳ vọng của người dân trên toàn thế giới về tương lai của nhân loại”. Các nhà lãnh đạo các quốc gia, người dân và đặc biệt là giới trẻ chúng ta, đang đứng trước nhiều thách thức và mang những trách nhiệm lớn lao với tương lai. Vì vậy, bức thư của em cũng chính là một lời hứa, một trọng trách gìn giữ thế giới của chúng ta như một di sản tốt đẹp dành lại cho thế hệ sau.  

Ban Giám khảo cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU hy vọng năm 2024 sẽ nhận được những lá thư hay, độc đáo và “sáng tạo không giới hạn” của các em.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hành trình 150 năm UPU trong một thế giới thay đổi tại chuyên mục Cách Học Hay của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Cách Học Hay khác

Chuỗi hoạt động giáo dục kỹ năng đầu năm học mới

Ngay những ngày đầu năm học mới, nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã tổ chức tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục học sinh về pháp luật ATGT, các kỹ năng phòng chống cháy nổ, thương tích, phòng chống đuối nước.

Khai mạc Vòng chung kết Festival tiếng Anh toàn quốc

Sáng ngày 16/8, tại Đại học Hàng hải Việt Nam (TP. Hải Phòng), báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng đã tổ chức Lễ khai mạc Vòng chung kết Festival tiếng Anh toàn quốc với sự góp mặt 272 gương mặt thí sinh ưu tú.