Chiều 19/7, tàu QN 7105 (tàu Vịnh Xanh) trong quá trình di chuyển tham quan ở tuyến 2, trên Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), do dông lốc không may bị lật. Lúc này, trên tàu có 48 khách (tại Cầu Giấy, Hà Nội) và 5 thuyền viên.
Theo danh sách hành khách được thống kê nhanh trong vụ lật tàu, có 21 trẻ em, trong đó có nạn nhân mới 2 tuổi, còn lại đều là những du khách lớn tuổi. Đa số hành khách đều có hộ khẩu Hà Nội.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh, Bộ đội Biên phòng đã triển khai tìm kiếm, cứu người bị nạn.
Tối 19/7, lực lượng y tế tham gia tại hiện trường cho biết, vào khoảng 18h cùng ngày, các đơn vị cứu nạn đã đưa được một nạn nhân 10 tuổi ra khỏi thân tàu đắm trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, sức khỏe tạm ổn định. Sau đó, cơ quan chức năng xác định là Hoàng Nhật M. (SN 2015), trú tại phường Hoàng Mai, Hà Nội.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong vụ tai nạn thương tâm đã cứu sống được 10 người; 35 người thiệt mạng; 4 người mất tích.
Những lưu ý trước khi đi du lịch bằng tàu Theo thống kê từ các thuyền trưởng và chuyên gia trong lĩnh vực du lịch tàu thuyền, nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp tử vong khi đi tàu biển thường xuất phát từ bốn tình huống như rơi từ boong tàu xuống nước; thuyền bị lật do sóng lớn; va chạm với tàu thuyền khác hoặc vật thể cố định và cuối cùng là tàu bị chìm, nước tràn vào khoang khiến hành khách mắc kẹt bên trong. Trước chuyến đi, du khách cần nắm rõ hành trình như đi trong bao lâu, tới những nơi nào, mong đợi, tận hưởng điều gì; dự báo thời tiết; những lưu ý cần tránh. Trước khi tàu khởi hành, nhân viên thường phổ biến các quy tắc an toàn cơ bản. Du khách nên lắng nghe kỹ và ghi nhớ vị trí các thiết bị cứu sinh, đường thoát hiểm và khu vực cấm ra vào. Trong mọi tình huống bất thường, cần bình tĩnh và làm theo chỉ dẫn. Trên tất cả các tàu du lịch, áo phao được trang bị sẵn tại khoang nghỉ và khu vực boong. Du khách nên mặc áo phao khi tàu di chuyển, đặc biệt khi tham gia các hoạt động như chèo kayak, lên thuyền nan hoặc bơi ở vùng nước sâu. Không mặc áo phao đối với những tàu, thuyền khoang kín vì khi nước tràn vào sẽ làm nổi người gây khó khăn trong quá trình di chuyển và thoát hiểm. Trong chuyến đi, du khách không nên đến gần lan can, mạn tàu. Việc đứng gần lan can, trèo ra boong ngoài để chụp ảnh hoặc không chú ý khi tàu chuyển hướng có thể dẫn đến tai nạn. Trẻ em cần được người lớn đi kèm và giám sát chặt chẽ suốt hành trình. Khi tàu di chuyển, hãy ngồi đúng vị trí, hạn chế đùa nghịch, đứng sát mép tàu. Không nên uống đồ có cồn để đảm bảo tinh thần minh mẫn, tỉnh táo suốt chuyến đi. Khi gặp sóng to, gió lớn, du khách cần bám chắc vào tay vịn hoặc vật cố định để tránh va đập, giữ bình tĩnh và tỉnh táo. Sự bình tĩnh là yếu tố then chốt giúp xử lý hiệu quả các tình huống nguy cấp, đặc biệt khi tàu có dấu hiệu chìm dần. Với các tàu lớn, quá trình chìm thường diễn ra chậm, tạo điều kiện để chuẩn bị thoát hiểm. Trong thời gian đó, hãy tìm ngay áo phao, phao bơi hoặc bất kỳ vật nổi nào như ván gỗ, thùng, can nhựa. Có thể tận dụng các túi nilon lớn, thổi phồng rồi buộc lại thành một thiết bị nổi tạm thời. Khi tàu có nguy cơ chìm, hãy thả xuồng cứu sinh và chuẩn bị sẵn một số vật dụng cần thiết. Khi xuồng chạm mặt nước, từng người lần lượt xuống một cách trật tự, tránh chen lấn, xô đẩy gây lật xuồng. Trong trường hợp không kịp lên xuồng, du khách nên nhảy khỏi tàu nhưng phải chắc chắn đã có vật nổi ôm trước ngực, để khi rơi xuống, cơ thể nằm đè lên vật đó, tránh bị chìm. Sau khi xuống nước, cần nhanh chóng bơi xuồng ra xa khu vực tàu chìm để tránh bị cuốn vào dòng xoáy. Với tàu khách lớn, lực lượng cứu hộ thường sẽ sớm có mặt, do đó nên ở gần khu vực tai nạn để dễ được phát hiện. Trong lúc chờ cứu hộ, hãy tập trung ổn định những người đã an toàn và tìm cách hỗ trợ những người còn mắc kẹt. Đồng thời, tìm mọi cách phát tín hiệu cầu cứu để tăng cơ hội sống sót và được giải cứu kịp thời. |