Cảm thụ văn học hiểu một cách đơn giản là sự cảm nhận những giá trị nổi bật, những điều sâu sắc, tế nhị và đẹp đẽ của văn học thể hiện trong tác phẩm (bài văn, bài thơ, cuốn truyện…) hay một bộ phận của tác phẩm (đoạn văn, đoạn thơ… hay chỉ là một từ ngữ có giá trị trong câu văn, câu thơ).
Đối với các em là những học sinh Tiểu học, tuy còn ít tuổi nhưng đều có thể rèn luyện, trau dồi để nâng cao năng lực cảm thụ văn học, giúp cho việc học tập môn tiếng Việt ngày càng tốt hơn bằng những việc như:
Khi ở nhà, các bạn luôn thích thú khi nghe ông bà, người thân kể chuyện, đọc thơ. Còn ở trường, khi được tiếp xúc với những bài văn, câu thơ hay thì các em cần chăm chú nghe giảng, lắng nghe để hiểu được cái hay cái đẹp của nó; tập dùng từ ngữ cho đúng và hay; nói - viết thành câu cho rõ ý, sinh động và gợi cảm…
Vốn hiểu biết được tích lũy bằng sự quan sát hàng ngày và cảm xúc của các em từ những quan sát đó. Việc quan sát nhiều, các em sẽ ghi nhớ được thực tế cuộc sống xung quanh. Bên cạnh đó, các em cần tích lũy vốn văn học bằng việc thường xuyên đọc sách. Các em hãy tập thói quen ghi chép những điều hay, từ ngữ, câu văn, bài thơ hay…
Các em cần nắm vững các kiến thức về ngữ âm và chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt; biết cách cảm nhận được nét đẹp của văn bản (bài văn, đoạn văn, bài thơ, đoạn thơ…) qua những hình thức diễn đạt sinh động và sáng tạo; cần nắm được các kiến thức liên quan đến cảm thụ văn học như hình ảnh, chi tiết, bố cục; các biện pháp nghệ thuật tu từ như so sánh, nhân hóa, điệp từ, điệp ngữ, đảo ngữ…
Để làm được bài tập về cảm thụ văn học tốt, các em cần thực hiện đầy đủ các bước: Đọc kĩ đề bài, nắm được yêu cầu của bài tập; đọc và tìm hiểu kĩ về câu thơ/câu văn hoặc đoạn trích được nêu trong bài tập.
Nắm vững các yêu cầu cần làm, kiên trì rèn luyện mỗi ngày một tí, nhất định các em sẽ viết được những đoạn văn hay về cảm thụ văn học, sẽ dần phát hiện ra biết bao điều hay điều quý văn học và trong cuộc sống của chúng ta.
Cô giáo Hoàng Thị Hạnh
(Trường Tiểu học Thái Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh)