Làm gì trước “cơn sốt” hàng hóa giá rẻ tràn vào Việt Nam trên sàn Temu?

Trong những ngày qua, sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới Temu đã gây "sốt" cho người tiêu dùng Việt, với nhiều sản phẩm giá rẻ bất ngờ. Song, người tiêu dùng và chuyên gia cũng nhìn nhận, rẻ nhưng cũng cần đảm bảo chất lượng.

Những ngày qua, nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ các đường link liên kết, kêu gọi người thân, bạn bè cùng tải ứng dụng Temu về để nhận hoa hồng. Theo đó, hình thức tiếp thị liên kết với hoa hồng cao (150.000 đồng/1 lượt giới thiệu thành công), đang khiến cho Temu trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến có sức nóng chưa từng có trong lịch sử "chào sân" của các sàn TMĐT tại Việt Nam. Cùng với đó, với chính sách khuyến mại cao cho lần đặt hàng đầu tiên, Temu đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng Việt.

Hàng hóa giá rẻ tràn ngập trên sàn Temu.
Hàng hóa giá rẻ tràn ngập trên sàn Temu.
Truy cập vào ứng dụng Temu, khách hàng chỉ cần gõ sản phẩm mình cần mua sẽ hiện ra danh sách và chính sách giảm giá khuyến mại. Bà Mai Trang (Mỹ Đình - Hà Nội) cho hay, qua mua thử trên các sàn TMĐT xuyên biên giới giá rẻ, tôi nhận thấy hàng hóa ở đây có ưu điểm là phong phú, đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu; đặc biệt do được ưu đãi tới 90% nên nhiều mặt hàng có giá chỉ bằng 1/2 đến 2/3 giá sản phẩm cùng loại trên thị trường. Mức giá này rõ ràng mang đến nhiều lựa chọn và lợi ích cho người mua. Hơn thế, hàng còn được chuyển phát nhanh tương đương hoặc nhanh hơn so với mua hàng ở trong nước.

Bên cạnh những sản phẩm tiêu dùng, dụng cụ nhà bếp hay sản phẩm thời trang da giày, túi xách, quần áo thì mặt hàng tại gian hàng đồ chơi, khách hàng sẽ thấy hàng loạt gian hàng bán đồ chơi kích động bạo lực như: Súng bắn bóng gel điện, thanh kiếm phát sáng, súng phun nước cơ khí, băng đạn và viên đạn nhựa; bộ xếp hình khẩu súng trường, kiếm samurai rút gọn, gươm dao pu foam… Giá mỗi loại đồ chơi súng từ hơn 100.000 đồng/chiếc đến gần 1 triệu đồng/chiếc, trong khi phụ kiện như đạn, băng đạn… giá từ hơn 50.000 đồng/sản phẩm. Giá dao, kiếm cũng dao động từ 17.369 đồng/1 chiếc đến khoảng 500.000 đồng/1 sản phẩm tùy loại.

Đáng chú ý, để tăng đơn hàng, các gian hàng đều treo biển đã bán nhiều sản phẩm, hàng giảm giá và sắp hết hạn giảm giá ưu đãi. Bên dưới mỗi sản phẩm, hầu hết đều có bình luận tích cực như: "Đã mua lại sản phẩm lần 2, dùng rất thích"…

Pháp luật Việt Nam quy định, các mặt hàng kích động bạo lực như trên sẽ bị cấm kinh doanh theo Quyết định 88/2000/QĐ-BTM về danh mục chi tiết hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hóa dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nếu cố tình kinh doanh, chế tài đối với hành vi buôn bán các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, sản phẩm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em, buôn bán hàng bị phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tùy thuộc hành vi, mức độ vi phạm và có thể bị áp dụng chế tài bổ sung.

Temu - một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc). Temu mới công bố hoạt động tại Việt Nam từ cuối tháng 9 nhưng nền tảng này chưa có website chính thức đăng ký hoạt động.

Trao đổi với báo chí, Cục TMĐT&KTS (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 24/10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật TMĐT Việt Nam khi gia nhập thị trường. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, trường hợp Temu thuộc trường hợp quy định tại Điều 67a Nghị định 52/2013/NĐ-CP (bổ sung tại khoản 24 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP), Temu sẽ phải tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 28/10, chuyên gia TMĐT, Giám đốc điều hành Công ty Accesstrade Việt Nam Đỗ Hữu Hưng cho rằng, sự xuất hiện của các sàn TMĐT quốc tế không là chuyện mới. Từ 10 năm trước, hàng hóa giá rẻ Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam thông qua các sàn TMĐT lớn, như Lazada, Shopee… Điểm tích cực là người tiêu dùng được hưởng sản phẩm giá thấp, sẽ có thêm nhiều lựa chọn mua sắm tiêu dùng hơn.

Temu mới vào Việt Nam nên tung ra nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn như giảm giá sâu, tập trung vào mặt hàng giá rẻ, thông dụng để thu hút người tiêu dùng. Song, trên thực tế, người tiêu dùng giờ cũng rất thông minh trong mua sắm trên mạng, họ có sự lựa chọn và so sánh, nên có nhiều mặt hàng giá cũng không rẻ hơn các sàn TMĐT khác đã hiện hữu ở Việt Nam. Cùng với đó, người tiêu dùng mới đang tham gia ở mức trải nghiệm, mua sắm những mặt hàng thông dụng có mức giá dưới 200 nghìn đồng mang tính thăm dò, bởi, hàng hóa đặt mới về Việt Nam được vài ngày cho đơn hàng sớm thì chưa thể đánh giá được chất lượng.

Tuy nhiên, cơ hội trải nghiệm mua sắm với người tiêu dùng nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh trong nước trong dài hạn, buộc các nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy đầu tư vào logistics, tạo việc làm và thu nhập cho lao động. Bên cạnh đó, vấn đề thất thu thuế cũng là bài toán cần được tháo gỡ để tránh gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Theo một số khách hàng, nếu kiểm tra kỹ thì giá ở Temu cũng ngang các sàn TMĐT khác, khuyến mãi 50-60% nhưng giá trị hàng hóa bị đẩy lên cao.

Để kiểm soát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo cạnh tranh với DN được phép hoạt động trong nước như chính sách về khuyến mại, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, việc các nền tảng TMĐT nước ngoài như Temu, Taobao, 1688 hoạt động tại Việt Nam mà không đăng ký có thể tạo ra nhiều thách thức về kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm và sự cạnh tranh công bằng với các DN trong nước như: Shopee, Lazada, và Tiki.

Để giải quyết các vấn đề này, chúng ta có thể áp dụng một vài biện pháp sau: Kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa. Nhà nước cần phải yêu cầu đăng ký và chứng nhận sản phẩm đối với các sản phẩm trên sàn TMĐT. Các nền tảng TMĐT nước ngoài cần phải đăng ký hoạt động và tuân thủ các quy định về chất lượng hàng hóa, bao gồm việc cung cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm. Chính phủ có thể yêu cầu các DN này phải nộp hồ sơ chứng minh rằng hàng hóa của họ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn theo quy định Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan chức năng nên tăng cường kiểm tra và giám sát các đơn vị cung cấp hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm được giao dịch qua các nền tảng TMĐT.

Việc này có thể bao gồm kiểm tra định kỳ và đột xuất các lô hàng nhập khẩu. Nếu phát hiện hàng hóa kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc như phạt tiền, đình chỉ hoạt động hoặc cấm nhập khẩu. Để đảm bảo cạnh tranh công bằng thì các nền tảng TMĐT nước ngoài phải tuân thủ các quy định về khuyến mại giống như các DN trong nước.

Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Bình Minh cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần hỗ trợ các DN về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hoạt động TMĐT xuyên biên giới; tăng cường kiểm tra, giám sát ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế qua TMĐT, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm công bằng cho DN trong nước.

Trước việc thời gian gần đây, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới, như: Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng. Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng TMĐT xuyên biên giới hoạt động trái phép.

Cẩn thận khi mua hàng hóa trên Temu

Từ đầu tháng 10 đến nay, các quảng cáo của Temu xuất hiện dày đặc trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram… Temu trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội những ngày qua. Được quảng cáo với những hứa hẹn hấp dẫn như giá rẻ, giảm giá trên 90%, trả hàng miễn phí trong 90 ngày, miễn phí giao hàng... Nhưng Temu đang cho nhiều người tiêu dùng thất vọng khi mua hàng tại sàn TMĐT này.

Chị Nguyễn Thị Hà ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, thấy quảng cáo Temu trên Facebook với giá khuyến mãi trên 90%, chị nhấn vào xem thì hiện ra hình vòng quay may mắn với các ô yêu cầu nhấn vào quay để nhận được ưu đãi. Vòng quay may mắn này dừng lại ở ô giảm giá độc quyền đến 96%. Đơn giá này sẽ được áp dụng để thanh toán trong giỏ hàng. Khi nhấn vào, hiện ra một khu trưng bày hàng hóa với rất nhiều mặt hàng như: giầy, dép, kính mắt, quần, áo, camera, bàn, ghế, đèn pin... không thiếu thứ gì.

Giá cả các sản phẩm trên Temu làm cho khách hàng bất ngờ, có món hàng rẻ không tưởng như ốp lưng điện thoại giá 6.000 đồng, mũ bóng chày bằng vải dạng lưỡi trai chỉ có 6.024 đồng, tai nghe không dây giá 51.000 đồng, camera giám sát an ninh wifi xoay 360 độ giá 142.000 đồng… giao hàng miễn phí.

Được biết, nền tảng này tối ưu hóa khâu vận chuyển để hàng hóa đi thẳng từ công xưởng đến người dùng nên giảm tối đa thời gian và chi phí giao hàng.

Anh Minh Hiếu ở tỉnh Bình Dương cho biết, thấy đăng hình xe đạp bán 200 ngàn đồng, đọc kĩ mới thấy nó bán cái túi treo xe đạp. Đăng hình cái ghế thái công bán với giá hơn 100.000 đồng, nhưng khi xem kỹ nội dung thì thực chất là giá của 5 cái bánh xe của chiếc ghế.

Chị Yến Nhi ở TP Hồ Chí Minh cho biết đã mua thử hàng hóa trên Temu thì chất lượng rất kém so với giá tiền, không ưng ý mà không đổi được, chat với shop không được. Xem kỹ thì việc nâng giá rồi giảm tiền vẫn đắt hơn các sàn khác và thanh toán bằng thẻ tín dụng như vậy không an toàn, dễ bị hack lộ lọt thông tin cá nhân.

Nhiều người khuyến cáo người mua hàng trên Temu hãy đọc kỹ thông tin mô tả sản phẩm và hết sức cẩn trọng trước khi đặt mua. Vì Temu gần như không phải chịu trách nhiệm gì, còn hàng hóa kém chất lượng thì người dùng chẳng biết kêu ai, do nền tảng này chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam.

(Theo Công an nhân dân)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Làm gì trước “cơn sốt” hàng hóa giá rẻ tràn vào Việt Nam trên sàn Temu? tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Giới thiệu ẩm thực quê hương

Với mong muốn quảng bá văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thầy Phan Vũ Nguyên cùng nhóm học sinh lớp 10 trường THCS&THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã triển khai dự án “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên- Muối Amrêč”

Cô Tổng - Người vun đắp phong trào

Trong tâm trí của nhiều thế hệ học sinh, cô là người nghiêm khắc, luôn giữ nét mặt uy nghiêm; học sinh chỉ nghe tiếng bước chân của cô phía ngoài hành lang là cả lớp đã phải ngồi im không ai dám làm sai quy định.

Số hóa di tích lịch sử cơ quan Trung ương Đoàn

Đoàn xã Minh Thanh (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) vừa thực hiện số hóa các di tích Trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và báo Tiền Phong - Thiếu niên (nay là báo Tiền Phong, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng).