Miền Bắc “chào đón” đợt nắng nóng đầu tiên chẳng mấy dễ chịu, kèm theo đó là nhiệt độ cao, nóng nực, dễ bị dịch bệnh tấn công. Khi thời tiết thay đổi, chúng mình cũng hình thành một số thói quen mà chỉ mùa hè mới có.
Bên cạnh những thói quen tốt, có một số hành động của bạn trong mùa nắng nóng khiến cơ thể chỉ muốn “khóc thét”, cùng xem đó là gì nhé!
1. Uống nước quá nhanh
Mùa hè nhu cầu dùng nước tăng cao hơn. Do nhiệt độ cao và mồ hôi ra nhiều, tỷ lệ mất nước của cơ thể cũng sẽ tăng lên. Do đó, việc bổ sung nước kịp thời cho cơ thể và giải tỏa cơn khát là vô cùng thiết yếu.
Nhiều bạn có thói quen tu nước ừng ực cho thoả cơn khát, tuy nhiên, nếu bạn uống nước quá nhanh, nước sẽ đi vào máu và được hấp thụ trong ruột, làm cho máu loãng hơn, lượng máu tăng lên. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu ở tim, dễ bị tức ngực, khó thở và các triệu chứng khác.
Vì vậy, mỗi khi uống nước, bạn không nên uống quá nhanh, hãy uống một lượng nhỏ và chia thành nhiều lần. Mỗi lần chỉ nên uống 100-150ml để cơ thể hấp thụ tốt hơn, nên hạn chế uống nước lạnh, nước ấm là tốt nhất cho cơ thể.

2. Không che chắn gì cho đôi mắt khi ra đường
“Cửa sổ tâm hồn” của chúng mình là cơ quan nhạy cảm nhất dưới ánh nắng chói chang của mặt trời. Nếu không che chắn cẩn thận, đôi mắt rất dễ bị lão hoá và gây ra các bệnh về mắt.
Nếu không có việc cần thiết, bạn không nên ra ngoài trời trong thời điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu bắt buộc phải đi, tốt nhất là bạn nên đeo kính râm, đội mũ hoặc mang ô (dù) che nắng. Màu sắc của kính râm nên là nâu hoặc xanh lá cây nhạt để có tác dụng chống tia cực tím tốt nhất.
Bên cạnh đó, bạn nên ăn nhiều thực phẩm bổ mắt như dâu tây, khoai mỡ, cà rốt, việt quất... Vi khuẩn sinh sôi nhanh vào mùa hè, vì vậy bạn cũng nên tránh dụi mắt bằng tay.

3. Ăn quá nhiều đồ lạnh, đồ ôi thiu
Khi nhiệt độ cao, chúng mình có xu hướng tìm đến những đồ lạnh, đồ uống có đá để giải nhiệt. Tuy nhiên, bạn nên ăn ít chúng thôi, đặc biệt là khi thức dậy vào buổi sáng và trước khi đi ngủ vào buổi tối.
Mặc dù thời tiết nắng nóng có thể khiến bạn kém ăn, nhưng không nên bỏ bỏ bữa, ăn bất cứ khi nào khi tự nhiên có cảm giác thèm ăn, bởi nhịn ăn, ăn uống thất thường sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Khi ăn đồ có tính lạnh (sashimi, sushi), bạn cũng có thể cho thêm một ít gừng để làm ấm bụng và khử trùng.
Mùa hè là thời kỳ dễ mắc các bệnh về đường ruột. Vi khuẩn, vi rút và thực phẩm không sạch đều là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, ví dụ: hải sản như tôm, cua chưa được nấu chín kỹ; các món ăn và hoa quả lạnh... có thể gây viêm dạ dày ruột cấp tính nếu chúng không được làm sạch.
Ngoài ra, trong môi trường nhiệt độ cao, thức ăn bảo quản không đúng cách sẽ nhanh hỏng, nếu ăn uống không cẩn thận có thể xảy ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.

4. Ngồi quá lâu trong phòng điều hoà
Vào mùa hè, chúng mình có thể ngồi cả ngày trong phòng điều hoà. Tuy nhiên, điều này gây ra tình trạng đau mỏi cổ, lưng liên tục, nguyên nhân là do điều hòa thổi trực tiếp vào cột sống cổ, các mô mềm xung quanh dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, việc ngồi quá lâu cũng có thể gây ra tình trạng rối loạn vận động cột sống cổ, khiến các triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ trở nên trầm trọng hơn.
Để tránh tình trạng này, bạn nên chỉnh điều hoà ở mức trên 26 độ C và không nên để điều hòa thổi gió trực tiếp vào cơ thể (đặc biệt là phần gáy). Nếu không thể tự điều chỉnh nhiệt độ điều hòa, bạn có thể choàng khăn choàng lên vai và chườm ấm lên vai vào ban đêm.

5. Không dọn dẹp nhà cửa thường xuyên
Không chỉ ngoài trời, trong nhà chúng ta cũng có rất nhiều vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Những loại phổ biến nhất là nấm mốc trong nhà bếp, mạt bụi trong phòng ngủ và phấn hoa trên ban công.
Do đó, vào mùa hè, tần suất dọn dẹp nhà cửa nên được tăng lên, ít nhất 2-3 ngày một lần.
