Cuối tuần vừa qua, một khoảnh khắc khiến cổ động viên bóng đá thế giới “nín thở” khi tiền vệ Christian Eriksen của Đan Mạch đang thi đấu thì bất ngờ đổ gục xuống sân, nằm bất động dù không va chạm với ai. Trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan tại Euro 2020 phải tạm hoãn.
May mắn là đội ngũ y tế can thiệp kịp thời, sơ cứu và thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) cho Eriksen. Khoảng 15 phút tiếp theo, tiền vệ mang áo số 10 đã tỉnh lại và được đưa đến bệnh viện gần nhất ở Copenhagen (Đan Mạch). Theo UEFA, sức khỏe của Eriksen đang trong tình trạng ổn định và khả năng sẽ bình phục hoàn toàn trong thời gian tới.

Trong lịch sử bóng đá thế giới, những sự cố bất ngờ như trường hợp của Eriksen không phải là hiếm. Đã có rất nhiều báo cáo về tình trạng ngừng tim đột ngột xảy ra với các VĐV trong quá trình thi đấu và luyện tập.
Không chỉ cầu thủ, những trường hợp ngừng tim phổi ngoài cộng đồng thực sự không hề hiếm gặp như bạn nghĩ, ở Mỹ là khoảng 1000 người/ngày ngừng tim ngoại viện. Vậy nếu là bạn, khi gặp một người hoàn toàn bình thường, đột ngột bất tỉnh, bạn nên làm gì?
Thực tế thì mọi người bình thường đều nên tiến hành cấp cứu ngay khi phát hiện có người bất tỉnh. Nếu phát hiện hãy gọi người giúp đỡ, gọi cấp cứu và ổn định xung quanh. Hãy xắn tay vào ngay và bắt đầu sơ cứu.

1. Bạn nên kiểm tra xem người đó còn thở bình thường không? Kê má vào gần mũi nạn nhân, sau đó đồng thời làm 3 việc: tai có nghe tiếng thở không, da mặt cảm nhận xem có hơi thở không, mắt nhìn xem lồng ngực có nhấp nhô không.
Tổng thời gian cho gọi người trợ giúp và đánh giá thở của nạn nhân không nên quá 10 giây.
2. Nếu nạn nhân không thở bình thường, ngay lập tức khởi động chuỗi sống còn ép tim - khai thông đường thở - (thổi ngạt)
- Ép tim liên tục trong 2 phút không ngừng.
+ Càng sớm càng tốt sau đánh giá.
+ Vị trí có thể xác định nhanh bằng giao 2 núm vú nạn nhân với trục giữa ngực.
+ Tư thế nạn nhân nằm ngửa, duỗi. Người sơ cứu quỳ bên phải nạn nhân, tay người sơ cứu vuông góc với ngực nạn nhân (để cho lực lớn nhất).
+ Ép thẳng góc, lực làm cho lồng ngực nạn nhân lún xuống >=5cm. Nên ép 1,2 lần nhẹ và ước lượng lực.
+ Tần số trong khoảng 100-120 lần/phút. Mẹo là bạn cứ đếm 1, 2 nhẩm trong đầu nhanh nhất có thể. 1 ép, 2 thu tay về sát mặt da, sao cho lồng ngực nở ra. Lặp lại như vậy.

3. Lấy bỏ dị vật và làm thông thoáng đường thở.
Một số kĩ thuật như ngửa đầu ấn cằm, nhưng đều đòi hỏi kinh nghiệm. Bạn và người xung quanh nên tìm cách mở miệng nạn nhân ra và móc sạch thức ăn, răng giả, đờm dãi.

4. Với cấp cứu ngoại viện và ngoại trừ trường hợp đuối nước: Nếu đó không phải người thân bạn, có thể bỏ qua thổi ngạt. Hãy tự bảo vệ chính mình đã.
Thời gian vàng ngọc cho sơ cứu chỉ có 3 phút, sau thời gian ấy tỷ lệ tử vong của bệnh nhân tăng lên theo từng giây. Vì vậy, bạn hãy ghi nhớ thật kỹ các bước sơ cứu để phòng những trường hợp hiểm nghèo có thể xảy ra nhé!