Cây lưỡi hổ còn được gọi là cây lưỡi cọp hay vĩ hổ, có tên khoa học là Sansevieria trifasciata. Thân cây lưỡi hổ có hình dẹt, mọng nước, nhìn có vẻ hơi sắc nhọn nhưng thực ra lại rất mềm. Thân cây thường có màu xanh lá hoặc vàng dọc từ gốc đến ngọn. Cây lưỡi hổ có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới với hơn 70 loài khác nhau, trong đó phổ biến nhất là lưỡi hổ thái và lưỡi hổ cọp.
Việc trồng cây lưỡi hổ trong nhà giúp thanh lọc không khí, hấp thụ tia bức xạ từ các thiết bị điện tử. Loại cây này rất dễ trồng, bạn thậm chí có thể trồng cây lưỡi hổ bằng lá cực kỳ đơn giản, từ một chiếc lá sẽ nhân giống thành nhiều chậu cây khác nhau.
Cách trồng cây lưỡi hổ bằng lá
Dưới đây là 3 cách trồng cây lưỡi hổ bắng lá cực kỳ đơn giản, cây nhanh ra rễ và phát triển khỏe mạnh.
Trồng lưỡi hổ bằng lá trong đất
Cách trồng lưỡi hổ bằng lá trong đất rất dễ thực hiện, tỷ lệ thành công cao. Bạn chọn lá lưỡi hổ dày, khỏe, đẹp, không quá non cũng không quá già, dùng kéo cắt lá sát gốc. Nếu lá to, dài, hãy chia nhỏ thành những đoạn ngắn khoảng 5cm, cắt lá theo hình chữ V để khi trồng, bạn dễ cắm xuống giá thể hơn. Sau khi cắt, nên để lá lưỡi hổ khô sẹo trong 1-2 ngày rồi mới nhân giống.
Cắm các đoạn lá nhỏ xuống giá thể đã chuẩn bị theo đúng chiều từ trên xuống và để cây ở nơi mát mẻ, có nắng dịu. Giữ đất luôn ẩm nhưng không quá ướt trong quá trình giâm. Nếu không sử dụng thuốc kích thích mọc rễ, lá sẽ ra rễ sau ít nhất 2 tuần, mọc thành cây con sau khoảng 2 tháng.
Để kiểm tra lá cây đã bén rễ hay chưa, bạn hãy nhấc nhẹ lá lên, nếu cảm thấy có lực cản tức là rễ đã bám vào đất, việc nhân giống cây lưỡi hổ đã thành công.
Trồng lưỡi hổ bắng lá trong nước
Đây là phương pháp nhân giống cây lưỡi hổ cực kỳ độc đáo và dễ làm, tính thẩm mỹ cao. Cây thủy sinh không cần chăm sóc nhiều mà chỉ cần thay nước là được. Đợi khi cây lưỡi hổ ra rễ, bạn có thể trồng vào trong đất.
Tương tự như cách trồng lưỡi hổ bằng lá trong đất, bạn chọn những lá khỏe mạnh, không quá non cũng không quá già, cắt lá càng sát gốc càng tốt.
Bạn có thể để nguyên lá hoặc cắt nhỏ ra. Tuy nhiên, các đoạn lá được cắt phải dài ít nhất 15cm; cắt thành hình chữ V ngược ở đáy lá hoặc cắt thẳng đều được. Để lá mới cắt ở nơi thoáng mát, khô ráo cho vết cắt khô lại, tránh bị thối khi giâm trong nước.
Đổ đầy nước vào một bình thủy tinh, đặt lá lưỡi hổ vào sao cho cuống lá hướng xuống dưới. Đặt bình thủy tinh ở nơi có nhiều ánh sáng và thay nước mỗi tuần một lần. Rễ sẽ hình thành ở gốc của vết cắt trong khoảng hai tháng. Sau khi rễ hình thành ổn định, bạn có thể chuyển nó sang trồng trong chậu đất.
Trồng lưỡi hổ bằng lá với giấy vệ sinh
Trên cây lưỡi hổ, hãy cắt phần lá dày khoẻ thành từng đoạn nhỏ khoảng 10cm. Phơi lá mới cắt ở nơi thoáng gió khoảng 1-2 ngày cho khô hoàn toàn.
Dùng giấy vệ sinh quấn quanh lá lưỡi hổ, xịt nước rồi để ở nơi thoáng mát. Hàng ngày bạn phải quan sát độ khô, độ ướt của giấy vệ sinh. Nếu thấy giấy đã khô thì nên phun nước kịp thời. Sau một thời gian, rễ sẽ mọc trắng muốt. Sau đó, bạn có thể đem ra trồng ở chậu với giá thể đã được làm sẵn.
Nhân giống cây lưỡi hổ bằng giấy vệ sinh tuy đơn giản, thuận tiện nhưng cũng cần chú ý:
- Cần che nắng, không được phơi cây lưỡi hổ dưới ánh nắng quá mạnh. Đặt cây ở nơi râm mát, việc này có thể giảm bớt sự bốc hơi của nước, nâng cao tỷ lệ sống sót cho cây.
- Cần chú ý phun nước và giữ môi trường ẩm để cây lưỡi hổ nhanh bén rễ.
Sau khi cây lưỡi hổ bén rễ, bạn có thể mang cây trồng vào chậu đất và chăm sóc như bình thường.
Cách chăm sóc cây lưỡi hổ sau khi nhân giống bằng lá
Sau khi áp dụng các cách trồng cây lưỡi hổ bằng lá cực kỳ đơn giản nêu trên, bạn nên đặt cây ở nơi thoáng mát. Tốt nhất nên đặt cây ở nơi có ánh sáng tán xạ, trong bóng râm, cây sẽ phát triển tốt hơn.
Cây lưỡi hổ ưa khô nên không tưới nước nhiều, chỉ tưới 1 – 2 lần/tuần hoặc khi đất khô mới tưới. Cây lưỡi hổ dễ chăm, ít sâu bệnh nên không tốn nhiều thời gian của bạn. Việc của bạn là kiên nhẫn chờ đợi cây ra rễ, phát triển thành cây mới thật đẹp để trang trí cho không gian sống của mình.