Ngày 14/10 vừa qua, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Theo đó, trẻ em thuộc nhóm tuổi này sẽ được tiêm theo lộ trình từ lứa tuổi cao tới thấp, tùy thuộc vào nguồn vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Việc tiêm vaccine cho trẻ em được diễn ra theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường).
Việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em giúp sớm đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời đảm bảo an toàn cho các em khi trở lại học trực tiếp. Tuy nhiên, cũng có lo lắng nhất định từ phía phụ huynh về những dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm mà trẻ gặp phải.
Trả lời trên Báo Thanh Niên về cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, ít nhất trong 3 ngày đầu sau tiêm, phụ huynh hay người nhà nên bên cạnh trẻ 24/24 giờ, để kịp thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm nếu có.
Mỗi trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng sau tiêm khác nhau, có bạn kéo dài trong 2-3 ngày đầu, cá biệt có trường hợp xuất hiện muộn tới 7-14 ngày sau tiêm, do đó, gia đình nên để ý con em mình hơn.
Về cơ bản, hầu hết trẻ sau tiêm sẽ có những triệu chứng sau:
Chỗ tiêm của trẻ bị sưng, đau nhức, có thể nổi cục nhỏ, ngứa hoặc nhức mỏi cánh tay. Nhiều phụ huynh thấy trẻ kêu đau thường bôi dầu gió, đắp lá hoặc trứng gà, nhưng Thạc sĩ Minh cho rằng, bố mẹ không cần làm vậy mà chỉ nên mát xa nhẹ nhàng cánh tay cho trẻ. Nếu muốn dùng thuốc kháng dị ứng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Sau tiêm, trẻ có thể bị sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân, buồn nôn, dễ buồn ngủ hoặc đói bụng nhiều hơn bình thường. Phụ huynh nên thường xuyên đo nhiệt độ cho trẻ.
Nếu thấy bé sốt dưới 38,5 độ C, nên cho bé mặc quần áo mỏng, thoáng mát, cho uống nhiều nước. Nếu sốt hơn 38,5 độ C trở lên hoặc sưng đau nhiều tại chỗ tiêm nên cho trẻ uống Paracetamol 500mg 3-4 lần/ngày.
Ngoài ra, Thạc sĩ Minh cũng nhắc nhở phụ huynh nếu trẻ tiêm vaccine mRNA, nhất là trẻ em nam cần theo dõi những dấu hiệu có liên quan đến biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Những dấu hiệu thường thấy là đau ngực, cảm giác ép nặng hoặc khó chịu ở ngực, thở hụt hơi, khó thở, cảm giác nhịp tim nhanh hay chậm bất thường, không đều hoặc đập thình thịch, hồi hộp đánh trống ngực. Khi trẻ có triệu chứng trên, cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất.
Về chế độ ăn uống, sau khi tiêm vaccine ít nhất 2 tuần, trẻ em không nên ăn những thức ăn mà bé có tiền sử dị ứng.