Chim sả ngực đỏ
Sở hữu bộ cánh với đủ màu sắc từ: xanh lá, xanh lam, tím, cam…, chim sả ngực đỏ (hay còn gọi là chim sả ngực hoa cà) xứng đáng được so sánh với cầu vồng 7 sắc. Chim sả ngực đỏ thường sống ở châu Phi, châu Á và Địa Trung Hải. Chúng có thể bắt chước được tiếng của các loài chim khác, đồng thời sở hữu khả năng bắt mồi siêu đỉnh, nhờ vào chiếc đầu có thể quay 180O. Chim sả ngực đỏ cực kỳ yêu thích các món ăn là côn trùng, thằn lằn, chim nhỏ và động vật gặm nhấm.
Khỉ Mandrill
Có lẽ đây là loài khỉ đỏm dáng nhất trong họ hàng nhà khỉ, bởi vì chúng sở hữu ngoại hình “chẳng giống ai” với bộ lông sặc sỡ và chiếc mũi đỏ cực kỳ nổi bật.
Khỉ Mandrill thường sống theo đàn, có thể lên tới 200 con, thường tập trung ở Tây và Trung Phi. Chúng thường tuân theo sự lãnh đạo của một con khỉ đực đầu đàn. Bộ lông sặc sỡ với các màu xanh lá cây, vàng, cam, đỏ và xanh lam giúp khỉ đực có lợi thế trong việc thu hút bạn khác giới. Còn chiếc mũi màu đỏ dường như lại trở thành công cụ giúp khỉ Mandrill thể hiện cảm xúc, bởi vì mỗi khi thay đổi tâm trạng hay sức khỏe, mũi của loài khỉ này sẽ đổi màu.
Thằn lằn đá Broadley
Không chỉ được biết đến với lớp vảy sặc sỡ, vô cùng đẹp mắt, thằn lằn đá Broadley còn khiến con người kinh ngạc trước khả năng leo trèo điêu luyện.
Thích sống trên các khe và vách đá cao nên thằn lằn đá Broadley thường được tìm thấy ở độ cao 1500 đến 3000 mét. Chúng thường leo trèo, trú ẩn trên các núi cao rồi tìm bắt các loại côn trùng, nhện và thằn lằn nhỏ. Nhờ có lớp vảy rực rỡ mà thằn lằn đá Broadley trông như những đốm hoa tuyệt đẹp nở trên núi đá.
Tôm bọ ngựa
Là loài vật thường sinh sống tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tôm bọ ngựa (hay còn gọi là tôm tít sặc sỡ) khiến con người phải ngỡ ngàng trước sắc đẹp và khả năng tấn công siêu phàm.
Tôm bọ ngựa chứa một loại chất phát quang trong cơ thể. Nhờ thế mà cơ thể chúng lúc nào cũng óng ánh đầy màu sắc, đẹp tựa như sắc cầu vồng. Thế nên tôm bọ ngựa còn được con người chọn nuôi làm cảnh. Tuy nhiên, khả năng tấn công của chúng khiến người nuôi cũng phải dè chừng. Khi ở trong thế giới tự nhiên, tôm bọ ngựa khiến cả những loài vật được trang bị lớp áo giáp cứng cáp như cua cũng phải sợ hãi mà tránh xa. Chỉ cần một cú bắn càng, tôm bọ ngựa có thể làm vỡ cả kính bể cá, vì thế các loài vật khác cực “rén” khi thấy tôm bọ ngựa lướt qua.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Chăm học, số 24+25+26 năm 2024. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Chăm học. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |