Tiến sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết khi được bác sĩ hỏi về 4 chiếc răng đã văng mất, người nhà mới về tìm, ngâm vào sữa không đường và đem xuống bệnh viện.
Trải qua một giờ rưỡi, các bác sĩ đã cắm thành công 4 chiếc răng trở lại vị trí đã mất cho bệnh nhi. Bệnh nhi được tái khám, tư vấn chế độ ăn uống phù hợp, giữ vệ sinh răng miệng, sau vài tháng khi răng cứng sẽ được bổ sung về mặt thẩm mỹ, ví dụ răng nào mẻ sứt thì trám lại, răng nào vỡ lớn sẽ bọc sứ...
Bác sĩ Đẩu cho biết, trẻ bị tai nạn mất răng khá phổ biến, nhất là khi té ngã với tư thế sấp mặt, hay gặp ở trẻ tuổi đi học, đặc biệt trong mùa hè, dịp lễ xuất hiện những trẻ té ở hồ bơi. Trong 10 trẻ bị gãy răng chỉ có chừng 3 bé mang răng tới, nhưng có những trường hợp mang tới để đưa cho bác sĩ xem chứ không nghĩ sẽ cắm lại được.
"Nếu không có răng để cắm lại thì em bé sẽ mất răng suốt đời, hạn chế khả năng ăn uống, phát âm, ảnh hưởng tâm lý... Nếu không cắm kịp thời, muốn có lại răng chỉ có biện pháp duy nhất là làm implant tốn kém vài chục triệu mỗi răng", bác sĩ Đẩu chia sẻ.
Một số lưu ý khi bảo quản răng đã gãy
- Khi nhặt lại răng đã gãy văng, chú ý cầm thân răng chứ không cầm vào phần chân răng.
- Nếu răng dính đất cát dơ bẩn thì rửa dưới vòi nước sạch, bảo quản răng rồi chuyển đến bác sĩ.
- Cách bảo quản là ngâm trong sữa không đường hoặc lòng trắng trứng. Nếu tỉnh táo có thể cho ngậm cái răng gãy trong miệng, môi trường nước bọt trong miệng vẫn tốt nhất với răng. Việc bảo quản này giúp duy trì sự sống của các dây chằng nha chu.
Trước đây thời gian vàng để cắm lại răng thành công là trong vòng 2 giờ sau gãy, hiện thời gian kéo dài nhiều hơn, có những ca sau 5-10 giờ mới vào viện vẫn được cắm thành công.
Theo VnExpress