Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: "Cân nhắc bỏ xét tuyển sớm"

PV
Chiều 7/12, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết điều chỉnh này căn cứ thực tiễn tuyển sinh đại học trong nhiều năm, lắng nghe ý kiến chuyên gia, trường đại học, nhà quản lý giáo dục phổ thông...

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường chỉ được xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu. Hiện, các trường xét sớm bằng cách dùng học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực....

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng dự thảo này sẽ tạo ra sự không công bằng trong xét tuyển, khiến quá trình tuyển sinh trở nên phức tạp, gia tăng thí sinh ảo, thí sinh cũng phải chờ đợi lâu trong khi đã có thể có đầy đủ yếu tố để trúng tuyển sớm... 

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, khi xét tuyển đại học sớm, các trường làm một cách độc lập và khi Bộ tiến hành xét tuyển chung thì mới sinh ra tình trạng thí sinh ảo. Ông Sơn cho rằng, từng trường, từng ngành không thể dự đoán được tỷ lệ ảo dẫn đến các trường có tâm lý muốn xét tuyển sớm để đủ chỉ tiêu hay được nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm, dẫn đến xác định các chỉ tiêu và điểm chuẩn trúng tuyển không chắc chắn.

Giải thích thêm về dự thảo này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, xuất phát điểm của việc xét tuyển đại học sớm có từ 6-7 năm trước. Trước đó, tất cả cùng xét tuyển tập trung sau khi các thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2017, một số cơ sở đào tạo bắt đầu xét tuyển sớm bằng học bạ hoặc những thành tích khác.

Khi một cơ sở đào tạo đã tổ chức xét tuyển sớm thì các cơ sở khác cũng chạy đua để có lợi thế cạnh tranh: "Khi tất cả cùng chạy đua thì tất cả đều vất vả. Các cơ sở đào tạo phải chuẩn bị từ đầu năm cho công tác tuyển sinh, thu hồ sơ xét tuyển và các em học sinh thì đang học lớp 12 phải chạy đôn đáo để thi chứng chỉ làm hồ sơ. Tất cả cùng vất vả nhưng hiệu quả mang lại thì không cao. Có 8 nguyện vọng trúng tuyển trong xét tuyển sớm thì chỉ có 1 nguyện vọng nhập học; hay có 2 thí sinh trúng tuyển sớm thì sau đó chỉ 1 em nhập học".

Thứ trưởng giải thích thêm, điểm chuẩn thường sẽ thấp đi để có thể tuyển được nhiều hơn, do đó, không dự báo được tỷ lệ trúng tuyển và tỷ lệ ảo rất lớn. Thứ trưởng cũng nêu dẫn chứng, những năm qua, điểm chuẩn trong đợt chung một số ngành tăng vọt.

Bộ GD&ĐT cân nhắc bỏ xét tuyển sớm nhằm đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.
Bộ GD&ĐT cân nhắc bỏ xét tuyển sớm nhằm đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.

Theo thống kê của Bộ, cứ 8 nguyện vọng xét tuyển sớm mới có một nguyện vọng nhập học. Cứ hai thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm thì chỉ có một em nhập học.

Xét tuyển sớm do các trường tự tổ chức, nên khi Bộ xét tuyển chung thì sẽ tạo ra tỷ lệ ảo. Điều này khiến các trường xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn. "Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập khi các em chưa hoàn thành chương trình THPT nên cũng tạo ra sự không công bằng", ông Sơn nói. Ngoài ra, nhiều trường THPT phản ánh có tình trạng học sinh đã trúng xét tuyển sớm rồi đến lớp chỉ để chơi. Hệ quả là tác động đến chất lượng giáo dục phổ thông.

"Xét về cả khía cạnh công bằng, chất lượng, hiệu quả, sự thuận lợi, Bộ đã lắng nghe để điều chỉnh quy chế xét tuyển đại học", ông Sơn cho hay. Giải thích về việc giảm tỷ lệ xét tuyển sớm còn 20%, ông nói để các trường tuyển được những học sinh có năng lực vượt trội. Những em còn lại vào đợt xét tuyển tập trung để đảm bảo công bằng, chất lượng, thuận lợi.

"Tôi đã lắng nghe nhiều chuyên gia đồng thuận, thậm chí nhiều người còn đề xuất bỏ xét tuyển sớm, nên chúng tôi sẽ cân nhắc để lại tỷ lệ 20% hoặc bỏ", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: "Cân nhắc bỏ xét tuyển sớm" tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác